MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi giao lưu, gặp gỡ khán giả tại Nhà sách Tân Việt (Hà Nội). Ảnh: BTC

Nhà thơ Trần Đăng Khoa dành lời khuyên cho các ba mẹ trẻ

Thanh Hương LDO | 25/08/2024 14:16

"Những lời khuyên của nhà thơ dành cho các ba mẹ trẻ" là chủ đề của buổi gặp gỡ với nhà thơ Trần Đăng Khoa được tổ chức tại Hà Nội.

Buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa thu hút sự quan tâm của rất nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi mầm non và tiền tiểu học.

Với sự dẫn dắt, chia sẻ đầy kinh nghiệm và dí dỏm của diễn giả - nhà thơ Trần Đăng Khoa, các bậc phụ huynh đã có cơ hội lắng nghe, ghi nhận được nhiều kiến thức bổ ích trong việc nuôi dạy trẻ.

Bên cạnh đó là những câu chuyện thú vị về con đường làm thơ của "thần đồng" Trần Đăng Khoa.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc phát triển trẻ thơ toàn diện trong những năm đầu đời chính là nền móng quyết định tương lai cả cuộc đời, bởi từ 0 -10 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển cả thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, cũng như văn hóa, nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ nhiều lời khuyên hữu ích cho các bậc phụ huynh. Ảnh: BTC

Với khả năng làm thơ từ nhỏ, Trần Đăng Khoa có những tập thơ ghi dấu ấn xuyên thời gian. Và hẳn ai trong chúng ta cũng từng một lần đọc những bài thơ trong tập "Góc sân và khoảng trời" - một tập thơ được in đến 155 lần và giành được nhiều giải thưởng danh giá.

Tại buổi gặp gỡ lần này, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ những câu chuyện đong đầy kỷ niệm về những bài thơ nổi tiếng của ông. Đó là những vần thơ liên quan đến tình cảm gia đình, tình cha mẹ. Thông qua đó, ông khẳng định cha mẹ không chỉ là người thầy đầu đời của con, mà còn là người định hướng và tạo cho con những thói quen tốt ngay từ nhỏ.

Nhà thơ chia sẻ rằng, bản thân ông có tình yêu văn thơ và những câu chuyện từ nhỏ là bởi điều này bắt nguồn từ người mẹ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu bé Trần Đăng Khoa đã được mẹ đọc và kể cho nghe rất nhiều câu chuyện. Và hành động này được lặp đi lặp lại, lâu dần tạo thành thói quen và niềm yêu thích trong ông.

"Mẹ tôi có những cách đặt câu hỏi gây tò mò rất khôn khéo. Mẹ chỉ kể cho tôi nghe nội dung tóm tắt của những câu chuyện. Chẳng hạn như, mẹ kể Thạch Sanh đã bắt được con quái vật trằn tinh, cứu giúp cả dân làng và nàng công chúa. Nhưng đến khi tôi hỏi: Vậy Thạch Sanh làm thế nào để bắt được con quái vật đó, thì mẹ đáp: Con hãy tìm đến sách, trong sách có kể rất chi tiết về quá trình này. Và cứ như thế, mẹ đưa tôi đến với sách một cách rất tự nhiên, hứng thú" -nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng giao lưu hỏi - đáp với các bậc phụ huynh, bạn trẻ và cả những em nhỏ về các chủ đề liên quan tình yêu sách, văn thơ và tương lai của nền văn học nước nhà trong thời buổi hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, lấn át đi những thói quen truyền thống.

Theo đó, nhà thơ khẳng định, tình yêu sách luôn được duy trì và phát triển nếu được xây dựng từ tình cảm gia đình và mối liên hệ giữa các thành viên. Gia đình chính là cái nôi để hình thành nên những thói quen tốt đẹp. Và đọc sách chính là một trong những thói quen cần được dung dưỡng trong cái nôi đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn