MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông bà nào cũng muốn dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy cháu. Ảnh: Xinhua

Ông bà can thiệp chuyện nuôi dạy cháu thế nào để giữ hòa khí gia đình?

Thúy Ngọc (Theo Respect Caregivers) LDO | 14/01/2023 15:00

Mắng, phạt hay can thiệp chuyện ăn uống của trẻ có thể là chủ đề nhạy cảm trong gia đình, đặc biệt khi ông bà và bố mẹ không thống nhất quan điểm dạy dỗ con cháu.

Nhiều chuyên gia tin rằng cách tốt nhất để giữ gìn hòa khí trong gia đình là ông bà nên để cha mẹ quyết định nuôi dạy cháu thế nào. Tuy nhiên, có một số tình huống mà ông bà nên can thiệp và lên tiếng.

Cháu hành xử hỗn xược

Trong một số trường hợp, bố mẹ sẽ cho phép trẻ làm điều gì đó ông bà không cho phép. Thậm chí, bố mẹ của trẻ không cho đó là vấn đề gì nghiêm trọng theo quan điểm nuôi dạy con cái của mình. Tuy nhiên, nếu trẻ trò chuyện hỗn xược hoặc hành xử thô lỗ với ai đó, ông bà hoàn toàn có thể đề cập đến và chấm dứt hành vi này.

Ông bà hãy cho trẻ biết hành xử thô lỗ là điều không ổn khi nói chuyện với người lớn hoặc bất kỳ ai khác - nhưng đừng phạt cháu mà hãy giao việc dạy dỗ cho bố mẹ chúng. Ông bà chỉ cần trao đổi với cha mẹ của trẻ và cho biết chuyện gì đã xảy ra.

Cháu đùa nghịch nguy hiểm

Nếu con trẻ làm điều gì nguy hiểm, ông bà hoàn toàn có thể can thiệp ngay và đảm bảo cháu không bị thương hoặc gây thương tích cho bất kỳ ai khác.

Hãy lưu ý cho trẻ về một số giới hạn, quy tắc hành xử khi ở nhà ông bà như không tự ý đi chơi khi trời tối, không đùa nghịch ngoài ban công...

Nếu lo lắng về các vấn đề an toàn lớn hơn, ông bà hãy trao đổi thẳng thắn với cha mẹ của trẻ khi chúng không có trong phòng hoặc ở gần, để có thể cởi mở bày tỏ quan điểm. Điều này cũng không ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của con trẻ khi chứng kiến ông bà và cha mẹ nói chuyện.

Thói quen ăn uống

Ông bà nào cũng muốn con cháu khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tốt nhất ông bà nên để cha mẹ của bọn trẻ quyết định chuyện ăn uống. Nếu lo lắng cho sức khỏe của cháu, ông bà có thể khuyến khích trẻ chọn đồ ăn giàu dinh dưỡng, ít chất bảo quản... Ông bà cũng có thể giúp trẻ tập thói quen ăn uống lành mạnh.

Khoảng cách thế hệ

Chuyện thường tình là ông bà sẽ nhận thấy con cái có phong cách nuôi dạy trẻ khác so với thời trước, theo cách khác so với cách ông bà nuôi dạy chính họ ngày xưa. Ông bà hãy lưu ý rằng phương pháp nuôi dạy con trẻ không ngừng phát triển theo thời gian, và mọi phụ huynh phải tự mình tìm ra cách tốt nhất để thực hiện. Điều quan trọng là bọn trẻ luôn được đảm bảo an toàn và chăm sóc tốt, khi đó khác biệt về quan điểm sẽ không phải vấn đề đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu trẻ hình thành những thói quen không tốt như xem TV, điện thoại quá nhiều, thiếu ý thức tự giác trong học tập, trả lời trống không, nói hỗn... ông bà cần chủ động trò chuyện với con cái về quan điểm nuôi dạy trẻ trước khi quá muộn. Đặc biệt khi trẻ sống ở nhà ông bà hoặc dành phần lớn thời gian trong ngày tại đây.

Trong một số trường hợp, cha mẹ sẽ đồng ý để ông bà dạy dỗ hoặc phạt con trẻ, nhưng đôi khi họ lại muốn tự mình uốn nắn, kỷ luật con cái. Dù thế nào, một cuộc trò chuyện thẳng thắn ngay từ đầu sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trong gia đình và đảm bảo cả cha mẹ lẫn ông bà đều không hề mất đi tiếng nói, vị thế trong chuyện dạy dỗ con trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn