MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tầm quan trọng của EQ đối với sự trưởng thành của trẻ

PHAN DUY NGHĨA LDO | 24/03/2023 16:32

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức, thể hiện và điều chỉnh cảm xúc của bản thân cũng như khả năng nhận biết và đồng cảm với cảm xúc của người khác. Trí tuệ cảm xúc của trẻ có liên quan đến mức độ thành công khi trưởng thành.

IQ và EQ

Trong rất nhiều nghiên cứu về IQ (chỉ số thông minh), thì nghiên cứu nổi bật nhất là “Nghiên cứu của Terman về những đứa trẻ thiên tài” do giáo sư Lewis M. Terman (1877-1956) thuộc trường Đại học Stanford tiến hành.

Thời điểm ấy, các bài trắc nghiệm IQ mới được du nhập vào Mỹ, mọi người rất quan tâm đến các thang đo đánh giá năng lực trí tuệ. Vì thế, ông đã cho toàn bộ học sinh của các trường tiểu học tại bang California làm trắc nghiệm IQ và lọc ra 1.500 em có chỉ số IQ trên 135. Tiếp đó, ông tiến hành theo dõi các em này trong một khoảng thời gian dài để xác định xem các em có thực sự học giỏi và sống tốt đúng như dự đoán không.

Nghiên cứu dài hạn này được tiến hành cho đến tận khi các đối tượng nghiên cứu qua đời. Kết quả cho thấy, chỉ số IQ không có tác động gì lên sự thành công trong học tập và công việc cũng như cuộc sống hôn nhân sau này. Càng tiếp tục nghiên cứu thì những ảo tưởng về IQ càng bị phá vỡ.

Vậy nếu không phải là IQ thì điều gì sẽ quyết định đến sự phát triển và thành công lâu dài của đứa trẻ? Đó chính là trí tuệ cảm xúc. IQ chỉ là một phần của trí tuệ còn EQ mới là phần điều khiển trí tuệ.

Một nghiên cứu về EQ kéo dài 19 năm được công bố trên tạp chí Y tế Công cộng Mỹ cho thấy, một đứa trẻ có thể tự điều hòa cảm xúc khi tức giận có khả năng làm tốt công việc trong những hoàn cảnh khó khăn. Một đứa trẻ có thể bộc lộ suy nghĩ theo cách tích cực sẽ duy trì các mối quan hệ lành mạnh hơn một đứa trẻ có xu hướng la hét hoặc nói những điều ác ý khi giận dữ. Trí tuệ cảm xúc giúp trẻ quản lý xung đột và phát triển tình bạn sâu sắc hơn, ít có nguy cơ bị trầm cảm và mắc các bệnh tâm thần khác. Do đó thầy cô, bố mẹ cần quan tâm phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ.

5 bước để phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ

Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea, Hàn Quốc; cố vấn đặc biệt của Dự án "Thầy cô chúng ta đã thay đổi, Cha mẹ thay đổi, Hiệu trưởng thay đổi vì một Trường học hạnh phúc") cùng với vợ là Tiến sĩ Christina Sungale Choi sau nhiều năm nghiên cứu về cảm xúc của trẻ đã đưa ra phương pháp phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ gồm 5 bước.

Bước 1: Nắm bắt cảm xúc. Hãy đọc cảm xúc trước khi xem xét hành động của trẻ. Vẻ mặt có thể thể hiện 7 cảm xúc chung cơ bản là phẫn nộ, khinh miệt, căm ghét, sợ hãi, vui mừng, hứng thú và buồn bã. Tuy nhiên bên cạnh những cảm xúc cơ bản ấy, con người còn có nhiều cảm xúc phái sinh khác. Người lớn cần luyện tập cách đọc cảm xúc thông qua vẻ mặt của con trẻ. Cần tìm hiểu, giao tiếp với trẻ trước khi đưa ra kết luận về cảm xúc của trẻ.

Bước 2: Coi sự xúc động của trẻ là cơ hội tốt. Khi trẻ xúc động, người lớn có cơ hội để kết nối tâm lý, giúp trẻ trưởng thành hơn. Cảm xúc của trẻ càng mạnh thì đó càng là cơ hội tốt. Nên có phản ứng nhẹ nhàng để giúp trẻ cảm thấy an toàn, phải đóng vai trò của một luật sư và đứng về phía trẻ.

Bước 3: Lắng nghe và đồng cảm với cảm xúc của trẻ. Cần lắng nghe, tiếp nhận, đồng cảm với câu chuyện, cảm xúc của trẻ. Phải sử dụng kiểu đối thoại tạo sự gần gũi thì mới có thể giúp trẻ giảm bớt stress và sẵn sàng chia sẻ. Để có thể tiếp nhận, lắng nghe và đồng cảm, người lớn cần nắm bắt được cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Trẻ luôn có nhiều lớp cảm xúc chồng chéo nhau, đừng vội vàng tìm cách giải quyết vấn đề, hãy tìm hiểu cảm xúc của trẻ bằng những câu hỏi mở.

Bước 4: Gọi tên cảm xúc. Gọi tên cảm xúc giúp làm rõ những cảm xúc còn mơ hồ, khiến quá trình thảo luận và tìm ra phương án giải quyết dễ dàng hơn. Muốn gọi đúng tên cảm xúc, cần dành thời gian để lắng nghe đầy đủ câu chuyện của trẻ ở bước 3 và đồng cảm với cảm xúc của các em. Không nên vội vàng đưa ra kết luận về cảm xúc của trẻ.

Bước 5: Dẫn dắt trẻ có hành động đúng đắn. Điều quan trọng là, thay vì đưa ra phương án giải quyết, người lớn cần đặt câu hỏi để dẫn dắt trẻ tự tìm ra cách giải quyết.

Phát triển trí tuệ cảm xúc sẽ giúp trẻ mở lòng, tin tưởng, gắn bó, trở nên thân thiết hơn với bố mẹ cũng như thầy cô và đặc biệt quan trọng là giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn