MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

2 kịch bản có thể xảy ra với cựu điều tra viên vụ chuyến bay giải cứu

Quang việt LDO | 02/08/2023 12:23

Theo luật sư, việc Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng bị tuyên phạt tù chung thân vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan vụ chuyến bay giải cứu sẽ có 2 trường hợp xảy ra nếu bị cáo kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

TAND TP Hà Nội công bố mức án với 53 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu hôm 28.7 vừa qua. Bị cáo Hưng là một trong nhiều người bị toà sơ thẩm tuyên mức án cao hơn với đề nghị của Viện KSND TP Hà Nội.

Hành vi của bị cáo Hưng, theo toà, do liên quan đến việc nhận 800.000 USD từ cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để lo lót cho Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) không bị xử lý hình sự.

Tuyên mức án trên, Hội đồng xét xử căn cứ vào: Từ tháng 1.2022-9.2022, Hưng là trưởng phòng điều tra, sau ngày 16.9.2022, Hưng bị điều chuyển.

Toà cho rằng, bị cáo biết rõ không được tiếp xúc với người bị điều tra, nhưng vẫn tiếp xúc và không báo cáo thủ trưởng đơn vị.

Theo đó, ngày 16.9.2022, mặc dù đã điều chuyển sang làm trưởng phòng khác, không còn quyền hạn trong việc điều tra vụ án chuyến bay giải cứu, song Hưng lợi dụng chức vụ quyền hạn là Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra nên nắm được một số thông tin về vụ án, cung cấp cho Hằng và Tuấn để tiếp tục nhận tiền, số tiền tổng cộng là 800.000 USD.

Toà đánh giá, hành vi của bị cáo đủ dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Toà cho hay, để xác định hành vi của Hưng, HĐXX căn cứ vào lời khai của Tuấn, đơn tố giác của Sơn, Hằng và lời khai của Sơn về việc chưa gặp, chưa tiếp xúc với Hưng song được Hằng báo chuẩn bị tiền để lo lót.

Trong đó, Hưng có nói "nếu quyết tâm cứu Sơn thì đưa tiền”, cùng với ghi chép của Hằng về mỗi lần đưa tiền cho Tuấn để chuyển cho Hưng; Tòa căn cứ lời khai về các cuộc gọi giữa Hưng và Tuấn; trao đổi tại nhà Tuấn giữa Hằng - Hưng - Tuấn; lời khai Hằng và Tuấn; Lời khai của những người khác, dữ liệu điện tử...

Việc bị cáo Hưng cho rằng, lời khai của Tuấn và Hằng không khách quan, chứng cứ một chiều, toà thấy không có cơ sở. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo xác định, không có mâu thuẫn gì với Tuấn và Hằng.

Ngoài lời khai của Tuấn, Hằng, cơ quan chức năng còn căn cứ vào lời khai của nhiều người khác, chứng cứ, dữ liệu điện tử khác. Theo toà, trong quá trình điều tra, Tuấn, Sơn đều bị tạm giam ở những nơi khác nhau, Hằng được tại ngoại nên không có việc trao đổi với nhau.

“Bị cáo Hưng không bị oan. Ý kiến bào chữa cho rằng, Hưng bị oan, đề nghị trả hồ sơ điều tra, toà thấy không có cơ sở, nên không được chấp nhận”, bản án nêu.

Trao đổi với báo Lao Động ngày 2.8 sau khi theo dõi vụ án và phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, trong trường hợp bị cáo Hưng tiếp tục kêu oan và kháng cáo bản án phúc thẩm, thì vụ án sẽ được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Phạm vi xét xử phúc thẩm theo Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.

Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, thì có các khả năng như sau:

Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm trong trường hợp thấy rằng, cấp sơ thẩm đánh giá đúng chứng cứ; áp dụng đúng quy định của pháp luật.

Sửa bản án sơ thẩm nếu thấy rằng, Tòa cấp sơ thẩm nhận định và áp dụng pháp luật chưa chính xác mà có thể khắc phục được hoặc xuất hiện các tình tiết làm căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại trong trường hợp cấp sơ thẩm có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được;

Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong trường hợp Tòa cấp phúc thẩm xác định bị cáo Hưng không phạm tội; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm trường hợp bị cáo rút kháng cáo.

Ở trường hợp khác, theo luật sư Nguyễn Minh Long, nếu Hưng thừa nhận hành vi phạm tội như vậy, bản án sơ thẩm không xét xử oan cho bị cáo. Việc Hưng thừa nhận hành vi phạm tội có thể được Hội đồng xét xử xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 51 BLHS 2015.

Tuy nhiên, để áp dụng điểm s khoản 1 điều 51 là chưa thỏa đáng vì trong suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, bị cáo đều quanh co chối tội.

Như vậy, theo luật sư, việc Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận kháng cáo của Hưng hay không còn tùy thuộc vào nội dung kháng cáo của bị cáo.

Nếu cựu điều tra viên này kháng cáo theo hướng kêu oan thì căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác, toà phúc thẩm có thể bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trường hợp, bị cáo Hưng kháng cáo xin giảm nhẹ, Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào tình tiết như thành khẩn khai báo; khắc phục hậu quả; thành tích trong công tác... xem xét giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn