MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Nhung khi bị đưa ra xét xử về hành vi lừa đảo. Ảnh: Quang Việt

4 người từ chối trả lại tiền tỉ vụ cựu sếp Eximbank lừa đảo

VIệt Dũng LDO | 12/09/2024 15:53

Ngoài làm rõ hành vi lừa đảo của Vũ Thị Thu Nhung - cựu Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Ba Đình, công an xác định nhiều cá nhân nhận tiền tỉ chênh lệch.

Vụ án Vũ Thị Thu Nhung (47 tuổi) - cựu Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh Ba Đình có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” mới bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội, song phiên tòa đã hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Cơ quan công tố xác định, Nhung đã chiếm đoạt tiền của khoảng 100 bị hại, với tổng số tiền hơn 2.705 tỉ đồng. Trong đó làm rõ có 46 người bị Nhung chiếm đoạt hơn 311 tỉ đồng.

Ngoài ra, tài liệu điều tra thể hiện có một số cá nhân khác chuyển tiền cho Nhung và được bà ta trả lợi nhuận nhiều hơn số tiền đã chuyển.

Trong đó, cơ quan công tố xác định, bà Thu (48 tuổi) đã chuyển khoản cho Nhung nhiều lần, tổng số 10,1 tỉ đồng (từ năm 2020 đến tháng 4.2022) để mở 10 chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Eximbank.

Kiểm tra các giao dịch trên sao kê tài khoản của bị cáo Nhung, từ ngày 1.1.2018 đến ngày 31.7.2022, cơ quan công an xác định bà Thu có chuyển cho Nhung 4,07 tỉ đồng và được bị cáo chuyển lại hơn 9,45 tỉ. Theo đó, bà Thu đã nhận tiền chênh lệch hơn 5,38 tỉ đồng.

Người thứ hai, bà Diệu - bạn học cùng lớp với Nhung và được nhờ làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam. Bà này đã chuyển tiền đầu tư tham gia chương trình ký quỹ đấu giá tài sản cho Nhung.

Tài liệu sao kê các tài khoản ngân hàng của Nhung thể hiện, bà Diệu đã chuyển cho Nhung hơn 201 tỉ đồng và nhận thừa số tiền chênh lệch là hơn 11,7 tỉ. Cơ quan điều tra đã yêu cầu bà Diệu hoàn trả số tiền chênh lệch song bà này từ chối.

Tiếp đến là trường hợp ông Trường nhận thừa số tiền chênh lệch là hơn 22 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu ông Trường giao nộp lại số tiền nhận thừa song đến nay, ông này chưa thực hiện.

Trường hợp thứ tư là bà Minh, từ tháng 5.2021 đến 4.2022 đã đưa tiền mặt và chuyển khoản hơn 23 tỉ đồng cho Nhung. Bà Minh nhận thừa tiền chênh lệch là hơn 3 tỉ đồng và cũng từ chối giao nộp lại theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Theo cơ quan điều tra, những cá nhân trên đã chuyển tiền cho Nhung để tham gia chương trình gửi tiết kiệm, ký quỹ mua tài sản đấu giá nợ xấu tại Eximbank do bị cáo đưa ra.

Họ cho rằng, khi Nhung chuyển trả có nói đó là tiền lãi hoặc lợi nhuận sau khi chuyển tiền đầu tư. Họ không biết đó là tiền do Nhung chiếm đoạt của người khác để trả.

Mặt khác, về nguồn gốc số tiền chuyển cho Nhung để gửi tiền, đầu tư ký quỹ đều do họ huy động vốn góp, vay mượn của những người thân trong gia đình, người quen. Họ đã phải trả đủ tiền gốc và lãi từ các khoản trên cho người thân, quen.

Bên cạnh đó, do thời gian lâu, nhiều giao dịch không nhớ họ tên, địa chỉ, số tiền; không còn lưu giữ giấy tờ, tài liệu do đã tất toán và đến nay không có khả năng khắc phục.

"Do vậy cơ quan điều tra không xem xét về trách nhiệm dân sự với các cá nhân này", cáo trạng nêu và cho hay 4 cá nhân không phải là bị hại trong vụ án.

(Tên 4 cá nhân không phải là bị hại đã thay đổi).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn