MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Q.Việt

4 vấn đề chờ phán quyết của toà án vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Việt Dũng LDO | 23/10/2023 15:05

Kết luận giám định, thiệt hại vụ án, tội danh và ai phải bồi thường trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là những vấn đề nổi cộm được tranh luận, chờ phán quyết của toà án.

Tối 22.10, theo thông báo của chủ toạ phiên toà vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào sáng 27.10.

Thông báo của chủ toạ được đưa ra sau 7 ngày xét xử 22 bị cáo, tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm soát nhân dân Hà Nội, luật sư và các bên liên quan.

Trong 7 ngày xét xử vụ qua, HĐXX đã tập trung thẩm vấn các bị cáo về sai phạm liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong nhiều ngày xét xử, các luật sư ngoài bào chữa cho 22 bị cáo, cũng như bảo vệ cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 5 nhà thầu đặt ra nhiều câu hỏi cho cơ quan giám định.

Tựu chung, có 4 nội dung chờ phán quyết của HĐXX TAND Hà Nội gồm: kết luận giám định, cách tính thiệt hại vụ án, tội danh truy tố và trách nhiệm bồi thường 460 tỉ đồng.

Thứ nhất về giám định, các luật sư và nhà thầu cho rằng, khi xác định mức độ thiệt hại của đường chỉ cần sử dụng "phương pháp không phá hủy, chỉ cần đo module đàn hồi trên mặt đường". Nhưng giám định viên sử dụng phương pháp kết hợp là "không hợp lý".

Tại một buổi xét xử, đại diện Posco E&C - doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện gói A4 trị giá 71 tỉ đồng cho rằng, cơ quan giám định "áp đặt" các tiêu chuẩn của vật liệu xây dựng ở trạng thái nguyên sinh cho cả vật liệu đã qua xử lý vào thi công và sử dụng là không logic.

Theo đại diện Posco, tiêu chí vật liệu tại trạng thái nguyên sinh sẽ không giống trạng thái khi thi công và vận hành. Điều này kỹ sư vật liệu và những người có kiến thức cơ bản về khoa học vật liệu cũng thấy nó không phù hợp.

Đại diện cơ quan giám định vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: M.Phương

Thứ hai, luật sư và bị cáo cho rằng "một sai phạm nhưng bị xử lý 2 lần".

Trong phần trình bày, luật sư Đinh Anh Tuấn - bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào, cựu Phó Tổng giám đốc VEC cho hay, liên quan giai đoạn 1 vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thân chủ đã bị phạt 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và đến nay, lại bị đưa ra xử về tội này ở giai đoạn 2.

Luật sư cho rằng, bị cáo Hào chỉ có một hành vi sai phạm trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Việc cơ quan điều tra tách dự án này ra làm 2 giai đoạn khiến bị cáo Hào chịu hậu quả pháp lý nặng hơn và vi phạm pháp luật khi "một hành vi phạm tội bị xử lý thành hai hay nhiều tội".

Cũng tại phiên toà, trong phần thẩm vấn, nhiều bị cáo khẳng định, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một dự án thống nhất; họ không hiểu sao cơ quan điều tra tách ra làm 2 giai đoạn để xử lý.

Thứ ba về cách tính hậu quả thiệt hại vụ án. Theo cáo buộc, những hạng mục thi công công trình không đảm bảo mà VEC đã phải thanh toán cho nhà thầu và cho các hạng mục không đảm bảo, là 460 tỉ đồng, cũng là hậu quả vụ án.

Trong phần tranh luận, ý kiến các luật sư cho rằng số tiền thu phí tuyến cao tốc này trong những năm qua đã lớn hơn nhiều so với tổng mức đầu tư, tức VEC đã "lãi" nhiều chứ không bị thiệt hại gì.

Cuối cùng là việc ai phải bồi thường thiệt hại hơn 460 tỉ đồng.

Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề xuất 22 bị cáo trong vụ án phải liên đới bồi thường. Viện Kiểm sát phân tích, thiệt hại này được xác định do hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công, nghiệm thu không đúng quy định pháp luật, đã chứng minh mối quan hệ nhân quả hành vi và hậu quả thiệt hại.

"Theo chế tài luật hình sự, những người nào gây ra hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường", Viện Kiểm sát nêu quan điểm. Ngoài ra, 5 nhà thầu phải bồi hoàn cho VEC các khoản đã được thanh toán.

Về vấn đề bồi thường, ngay phần luận tội, chủ toạ đã đề nghị Viện Kiểm sát nêu rõ số tiền bị cáo phải khắc phục. Bởi theo chủ toạ, theo cách tính của Viện Kiểm sát, số tiền phải bồi thường lớn hơn 460 tỉ đồng - thiệt hại của vụ án.

Mặt khác, tại phiên toà, đại diện nguyên đơn dân sự VEC không đề nghị các bị cáo phải bồi thường. Đại diện Tổng Công ty Xây dựng số 1 - nhà thầu tham gia dự án cũng cho rằng, vụ án thiệt hại nếu có, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, đại diện 4 nhà thầu nước ngoài không đồng tình nếu buộc họ phải bồi thường, bởi đã "thực hiện đúng hợp đồng, với quy chuẩn chủ đầu tư yêu cầu".

Còn luật sư của một số bị cáo cho rằng, ở giai đoạn 1 vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 65km), bản án có hiệu lực pháp luật đã buộc nhà thầu phải bồi thường, không phải các bị cáo.

Liên quan vụ án, ngày 19.10, Viện KSND Hà Nội đề nghị tuyên phạt Mai Tuấn Anh - cựu Chủ tịch Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trần Văn Tám - cựu Tổng Giám đốc VEC bị đề nghị mức án 5 năm 6 tháng đến 7 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

20 bị cáo còn lại, Viện KSND đề nghị mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 7 năm 6 tháng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn