MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tội phạm công nghệ cao dùng công nghệ deepfake để lừa đảo người dân. Ảnh: CAHN

5 dấu hiệu cần cảnh giác với lừa đảo khi nhận cuộc gọi video

Quang Việt LDO | 08/09/2023 16:06

Tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn gọi video deepfake với hình ảnh và khuôn mặt giả mạo khiến nhiều người trở thành nạn nhân, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thông tin...

5 dấu hiệu để người dùng mạng xã hội nhận diện các cuộc gọi video lừa đảo tránh không bị rơi vào bẫy của kẻ gian được lực lượng chức năng chỉ ra.

Cụ thể, thời gian của các cuộc gọi video lừa đảo thường khá ngắn, chỉ từ vài giây cho tới dưới 1 phút. Nếu gặp tình trạng này, người dân hãy chặn liên hệ trước khi kẻ gian tìm được sơ hở của bạn để lấy các thông tin quan trọng.

Với các cuộc gọi lừa đảo, dễ dàng nhận thấy chất lượng hình ảnh thấp, hình bị vỡ, mờ. Việc này khiến người nhận cuộc gọi video khó nhận diện đối phương. Đây là một dấu hiệu để người dân nghi ngờ kẻ ở đầu dây bên kia đang có ý đồ không tốt.

Mục đích của việc tạo ra các cuộc gọi không rõ về mặt hình ảnh chính là để bạn không nắm rõ tình hình xảy ra trong lúc nói chuyện.

Ngoài ra, chất lượng âm thanh cuộc gọi cũng có thể thấp, tiếng bị rè hoặc xung quanh có tiếng ồn lớn để phân tán sự tập trung, đánh lạc hướng của người nghe.

Ngoài việc âm thanh và hình ảnh có chất lượng kém, âm thanh và hình ảnh không đồng nhất cũng là một dấu hiệu để bạn cảnh giác hơn. Ví dụ như hình đi trước tiếng hoặc ngược lại. Nói chung là hình ảnh và tiếng không đồng nhất được xem là một dấu hiệu đáng nghi.

Người nhận cuộc gọi video nên bình tĩnh ngắt cuộc gọi và không làm theo các yêu cầu của đối phương. Có thể thực hiện thêm các hành động bảo mật tài khoản để đảm bảo không bị kẻ gian lấy trộm thông tin hoặc tiền trong tài khoản.

Trong khi gọi điện thoại, người dân hãy chú ý quan sát hình ảnh. Đối với các cuộc gọi video lừa đảo, khuôn mặt của người gọi ở đầu dây bên kia có thể trông giả tạo, có phần bị đơ khi nói, trông lúng túng. Ngoài ra, màu da và màu nền của cuộc gọi có thể không đồng bộ. Đây là những yếu tố mà bạn phải cảnh giác khi nhận điện thoại.

Với các cuộc gọi lừa đảo, đối phương thường sử dụng những chiêu thức có tác dụng thao túng tâm lý của nạn nhân. Chúng sẽ cố gắng tạo ra các tình huống mang tính cấp bách, cần được giải quyết ngay lập tức. Ngoài ra, việc gọi trong thời gian ngắn cũng giúp chúng khó bị phát giác hơn.

Vì vậy, trong lúc gọi điện, bạn có thể thường xuyên nhận được thông báo tín hiệu mạng kém, không thể thực hiện cuộc gọi.

Từ các dấu hiệu trên, Bộ Công an khuyến cáo, khi nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, hãy giữ bình tĩnh và xác minh thông tin. Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác để xác nhận liệu họ cần tiền hay không.

Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không thực hiện giao dịch.

Nếu cuộc gọi được tự xưng là từ một đại diện ngân hàng, hãy nhấc máy và gọi trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận xem cuộc gọi đó có phải do ngân hàng thực hiện hay không.

Lực lượng chức năng ghi nhận, hình thức lừa đảo qua công nghệ deepfake khiến nhiều người sập bẫy, vẫn diễn biến phức tạp.

Hôm 20.4, Phòng Cảnh sát hình sự TPHCM thông tin về việc đơn vị điều tra vụ ông L (sinh năm 1952, ngụ TPHCM) được cho là mất gần 15 tỉ đồng sau khi nghe cuộc gọi lạ từ một người tự xưng là cán bộ công an.

Ông L cho hay, nhận được cuộc gọi điện thoại người tự xưng cán bộ công an nói ông liên quan đến đường dây tội phạm và sẽ bắt giam.

Kẻ này tiếp tục kết nối máy với với một người khác tự xưng lãnh đạo Bộ Công an để làm việc với ông L. Ít phút sau, ông L nhận được điện thoại từ số 034… tự xưng là một thiếu tướng, cục trưởng ở Bộ Công an.

Người này cũng gọi video call và nói ông L dính vào vụ án kinh tế cần xác minh tài khoản đang sở hữu ở một ngân hàng, yêu cầu ông phải kê khai, chuyển tiền để điều tra. Nếu ông L không liên quan, công an sẽ trả lại tiền.

Ông L đã làm theo và bị chiếm đoạt số tiền trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn