MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà trùm Châu Thị Mỹ Linh và hai anh em đại gia đất mỏ Giang - Thanh, trong vụ án khai thác than lậu. Ảnh: Bộ Công an

Bà trùm bất động sản TPHCM bị truy tố trong vụ án than lậu

Việt Dũng LDO | 08/05/2023 19:03

Bị can Châu Thị Mỹ Linh ngoài điều hành Công ty Yên Phước liên quan trực tiếp đến hành vi khai thác than lậu, còn được biết đến là bà trùm bất động sản TPHCM.

Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với 33 bị can trong vụ “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Mua bán trái phép vật liệu nổ, Sử dụng trái phép vật liệu nổ, Mua bán trái phép hóa đơn, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên) ra trước TAND tỉnh Thái Nguyên để xét xử.

Trong đó, bị can Châu Thị Mỹ Linh - Tổng Giám đốc Công ty Yên Phước - bị truy tố 2 tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Mua bán trái phép vật liệu nổ" và bị xác định chủ mưu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vụ án, cơ quan công tố xác định, loạt lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cặp song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang bị truy tố 2 tội danh Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Mua bán trái phép hoá đơn".

Theo cáo trạng, bị can Mỹ Linh đã chỉ đạo Ngụy Quang Thuyên - Trợ lý Tổng giám đốc - khai thác, thỏa thuận, thống nhất, ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương (anh em Thanh và Giang góp cổ phần) khai thác trái phép than tại Mỏ than Minh Tiến, với tổng khối lượng hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm.

Bị can Mỹ Linh còn chỉ đạo nhân viên hợp thức hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ với các cơ quan chức năng để che giấu hành vi khai thác than trái phép cùng khoáng sản đi kèm.

Bị can Mỹ Linh cũng đồng ý với việc bán trái phép gần 3.000 kg thuốc nổ và gần 11.000 kíp cho Đỗ Văn Vĩnh và Lương Văn Tiến để khai thác trái phép tại Khu A, thu lợi bất chính hơn 2 tỉ đồng.

Trong vụ án này, có 2 anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Với cặp song sinh Thanh và Giang, được xác định là người tích cực trong việc tham gia góp vốn, có vai trò chủ mưu trong việc bàn bạc, thống nhất việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt quá tổng sản lượng được cấp phép.

Các bị can trong vụ án khai thác than lậu. Ảnh: Bộ Công an

Theo cáo trạng, giá trị khoáng sản khai thác trái phép đã thanh toán giữa Công ty Đông Bắc Hải Dương và Công ty Yên Phước, tổng số hơn 1 triệu tấn than, hơn 419 m3 khoáng sản đi kèm là hơn 145 tỉ đồng và giá trị hơn 1,5 triệu tấn than khai thác trái phép bị thu giữ; thu lợi bất chính hơn 213 tỉ đồng.

Ngoài ra, 2 bị can này còn mua 395 hóa đơn giá trị gia tăng của nhóm các Công ty tại Hải Phòng, Nam Định để hợp thức hóa đơn đầu vào cho số lượng than khai thác trái phép, than không có nguồn gốc.

Liên quan đến vụ án, cơ quan công tố xác định, loạt lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Với bị can Nguyễn Thế Giang - nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên - trực tiếp phụ trách đoàn công tác về khoáng sản và môi trường. Thế Giang là Trưởng đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.

Bị can Giang ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản; không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn.

Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước xác định Công ty khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra.

Bị can Giang không chỉ đạo Đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu phía công ty cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Kết quả điều tra đã phát hiện Công ty Yên Phước có 3 vi phạm là thất lạc mốc giới II; chưa cung cấp được bản đồ mặt cắt hiện trạng từ khi đi vào hoạt động cho tới thời điểm kiểm tra; chưa cung cấp đầy đủ văn bản, tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

Theo quy định tại Điều 39, Khoản 3 Điều 50 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3.4.2017 của Chính phủ thì các vi phạm này phải bị tiền phạt từ 90,5 triệu đồng đến 151 triệu đồng.

Song ông Giang đã không đưa vào kết luận kiểm tra. Ngoài các hành vi nêu trên, với vai trò là Phó Giám đốc sở, trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường, bị can Giang không đôn đốc Phòng Khoáng sản thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản để làm tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản.

Từ đó, không phát hiện được Công ty Yên Phước đã khai thác than không đúng với nội dung giấy phép.

Bị can Châu Thị Mỹ Linh không chỉ điều hành Công ty CP Yên Phước mà còn được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư Phúc Phúc Yên (thuộc Tập Đoàn Phúc Yên Prosper, địa chỉ tại Q.7, TPHCM).

Công ty này khá nổi tiếng với nhiều dự án chung cư, biệt thự, nhà phố ở TPHCM, điển hình như dự án Căn hộ Prosper Plaza, đường Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12.

Trong khi đó, Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh được biết đến là những chủ nhân của “vườn lan var đất mỏ”, có trong tay hàng nghìn tỉ đồng từ việc nuôi trồng, kinh doanh lan var; xây biệt thự hoành tráng và mua sắm xe siêu sang đắt tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn