MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm vụ liên quan đến Công ty Việt Á. Ảnh: H.Nguyên

Ba vấn đề chờ Viện Kiểm sát đưa ra khi luận tội vụ đại án Việt Á

Việt Dũng LDO | 07/01/2024 16:43

38 bị cáo liên quan đến đại án Việt Á đều thừa nhận hành vi sai phạm khi ra trước toà, song khi xét hỏi có những vấn đề như chuyện "cành đào Tết" cựu Thứ trưởng nhận là 50.000 USD hay 100 triệu đồng; có việc thoả thuận chi phần trăm hay không...

Theo thông báo của chủ toạ phiên toà xét xử đại án Việt Á, ngày mai (8.1), Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Hà Nội sẽ công bố bản luận tội với 38 bị cáo và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong 3 ngày xét hỏi, ngoài bị cáo xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con, 37 người còn lại đều thừa nhận hành vi. Trong đó, có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh; cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương - Phạm Xuân Thăng.

Tuy nhiên, nhìn lại một số buổi xét xử, ở phần thẩm vấn của chủ toạ, đại diện Viện KSND và tham gia xét hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo, có số vấn đề được hỏi nhiều, có những lời khai còn mâu thuẫn và trái ngược nhau.

Có hay không việc thoả thuận trước chi phần trăm hợp đồng?

Theo cáo trạng, để tiêu thụ kit test tại các địa phương với số lượng lớn, được thanh toán theo giá đã nâng khống, Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á - cùng nhân viên thông đồng, câu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện ứng hàng sử dụng trước, hợp thức hồ sơ thanh toán sau.

Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên tính toán, chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng, trực tiếp hoặc nhân viên dưới quyền đưa hối lộ cho các lãnh đạo, nhân viên cơ sở y tế công lập, tổng cộng hơn 34 tỉ đồng.

Tại phiên toà hôm 5.1, Phan Quốc Việt cho biết, tỉ lệ chiết khấu từ 5-20% tùy vào khách hàng. Ngoài ra, hoa hồng cho các địa phương sẽ từ 15-45%. Tất cả khoản chi trước khi chuyển cho địa phương đều thông qua Việt duyệt.

Phan Quốc Việt còn nói, tất cả việc chi tiền phần trăm, đưa hối lộ đều theo quy định bản thân đã đưa ra, không có thoả thuận trước. Chỉ khi nào nhận tiền thanh toán bán kit, sinh phẩm thì mới chi tiền cho họ.

"Cành đào Tết" được biếu 50.000 USD hay chỉ 100 triệu đồng?

Trong vụ án, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Phạm Công Tạc bị cáo buộc có những sai phạm tạo điều kiện giúp đỡ Việt Á, để doanh nghiệp này biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Việt Á.

Bị cáo Phạm Công Tạc bị buộc có hành vi nhận quà biếu 50.000 USD từ ông chủ Việt Á - Phan Quốc Việt.

Trong các buổi thẩm vấn, bị cáo Phạm Công Tạc cho biết, trong túi quà tết của Phan Quốc Việt chỉ có 100 triệu đồng chứ không phải 50.000 USD.

Bị cáo nhớ sau cuộc họp, Phan Quốc Việt muốn đến thăm và để lại bộ kit test, nói là “có cành đào tết để tặng” nhưng khi mở ra thì thấy, ngoài bộ kit test còn có 2 cọc tiền trị giá 50 triệu đồng, tổng 100 triệu đồng.

Trong khi đó, trả lời thẩm vấn, ông chủ Việt Á khẳng định, "việc đưa tiền nhiều lần nên nhớ chính xác số tiền đưa" cho các cựu quan chức và tiền đưa cho ông Tạc là 50.000 USD.

Nguồn gốc khoản tiền này, theo Việt nhớ, khi ở Đà Nẵng đã đổi 5,1 tỉ đồng thành 200.000 USD và đưa cho cấp phó Vũ Đình Hiệp cầm, để khi cần là lấy mang đi biếu.

Đề nghị mức án nào với các bị cáo nhận hối lộ?

Trong đại án Việt Á, có 6 người bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ", bị truy tố khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, nhiều bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Phan Quốc Việt và thừa nhận sai phạm.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao năm 2020 có Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Trong đó, Khoản 2, Điều 5 về Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ có quy định:

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại hoặc tác động người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ... thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Do đó, Viện KSND sẽ căn cứ vào các tình tiết này để đề nghị mức án hợp lý theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn