MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác kháng cáo đòi Vietinbank bồi thường 1.085 tỷ đồng

HOÀNG HƯNG LDO | 30/05/2018 14:06

Sáng 30.5, Toà án Cấp cao tại TP HCM đã chính thức tuyên án sau 3 ngày xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm – giai đoạn 2. Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ các kháng cáo và công nhận bản án sơ thẩm...

Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn – nguyên phó giám đốc Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè, xin được giảm án. Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Tuấn đã có hành vi tiếp sức, với vai trò đồng phạm để Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên 200,1 tỷ đồng và hưởng lợi 10 tỷ đồng từ hành vi phạm tội này. Trước đó, ở giai đoạn 1 của vụ án “siêu lừa” Huyền Như, bị cáo Tuấn đã bị xử 20 năm tù. Vụ lừa đảo Cty Hưng Yên ở giai đoạn 2 là tình tiết tăng nặng, không thể giảm nhẹ. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên Tuấn mức án 7 năm tù giam, cộng 20 năm tù của bản án trước, tổng cộng Tuấn phải chịu mức án là 27 năm tù.

Với kháng cáo của 4 công ty (SaigonBank- Berjayan, Bảo hiểm Toàn Cầu, Phương Đông và An Lộc) – là nguyên đơn dân sự, đòi Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường 1.085 tỷ đồng, do bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt; Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng cáo của 4 công ty này. Đồng thời, Hội đồng xét xử khẳng định kết luận của bản án sơ thẩm số 56, ngày 9.2.2018 là đúng đắn, khách quan và chính xác.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Như đã thừa nhận tại hồ sơ, tại toà sơ thẩm và tại toà phúc thẩm, rằng Như đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 doanh nghiệp. Hành vi lừa đảo của Như có chuỗi dài thực hiện từ đầu đến cuối. Như thực hiện làm giả hợp đồng, giả con dấu, giả chữ ký... Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng mắc nhiều lỗi, buông lỏng giám sát tài khoản, muốn hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật, không làm việc trực tiếp và đúng quy trình với Vietinbank...

Mặt khác, một số cá nhân trong và ngoài các doanh nghiệp, vì hám lợi, muốn được hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng, phí môi giới.v.v.v... Từ đó, tạo điều kiện cho bị cáo Như mặc sức thao túng, dẫn dụ, thực hiện hành vi lừa đảo...Từ các lý do trên, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sự sai sót của mình, không thể buộc Vietinbank có trách nhiệm bồi thường các khoản tiền thiệt hại.

Phiên toà phúc thẩm vụ án Huyền Như từ ngày 28-30.5.2018. Ảnh: H.H

Hội đồng xét xử nhận định: Việc Huyền Như thừa nhận hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 doanh nghiệp; nên Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho các bị hại là đúng quy định của luật pháp. Từ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Như và bị cáo Tuấn phải liên đới bồi thường cho Cty Hưng Yên 200,1 tỷ đồng. Bị cáo Như phải bồi thường cho các Cty: Saigon Bank – Berjayan 210 tỷ, Bảo hiểm Toàn Cầu 124,9 tỷ, Phương Đông 380 tỷ và An Lộc 170,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng bác kháng cáo quá hạn của bà Lê Thị Thanh Phương – nguyên giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng Tiên Phong, buộc bà Phương phải trả 30,4 tỷ đồng để bảo đảm thi hành án cho Cty An Lộc và Cty Phương Đông. Buộc Lê Tuấn Anh và Ngô Quang Trung phải trả 6,7 tỷ đồng là khoản tiền mà trước đây Huyền Như chuyển cho bà Phương, thông qua tài khoản của 2 người này. Buộc ông Vũ Minh Hải và bà Vũ Thị Mỹ Linh phải nộp lại số tiền 5,7 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng để thi hành án cho Công ty Saigon Bank – Berjayan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn