MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do tính chất phức tạp của vụ án, một lượng lớn công an đã được cử đến để bảo vệ an ninh phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Dân Trí.

Bắc Ninh: Phản đối nhà máy rác vì quá gần, 6 người dân rơi vào lao lý

Long Nguyễn LDO | 26/02/2019 10:26

Bản án sơ thẩm hồi cuối năm 2018 với 20 năm tù "chia" cho 6 bị cáo đã không nhận được sự đồng thuận từ người dân. Do vậy, phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 28.2 tới đây tại TAND tỉnh Bắc Ninh được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Phiên tòa chóng vánh

Cụ Ngô Huy Khoa (SN 1941, thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) vẫn nhớ như in phiên tòa sơ thẩm diễn ra hôm 21.11.2018.

"Đó là một phiên tòa chóng vánh", cụ nói. "Ngay từ sáng sớm, hơn 200 công an đã được huy động đến để bảo vệ thành nhiều vòng. Dân làng kéo lên dự rất đông nhưng hầu hết không được vào. Rồi họ xử rất nhanh. Cả 6 người đều bị tuyên có tội".

Cả 6 người mà cụ Khoa vừa nhắc đến đều là dân thôn Chân Lạc, 5 làm ruộng và 1 là công nhân nhà máy. Ở phiên tòa hôm ấy, Nguyễn Công Lý (SN 1978) và Nguyễn Nhân Thắng (SN 1975) bị tuyên 66 tháng tù giam cho 2 tội “Giữ người trái pháp luật” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Vũ Bá Huấn (SN 1964), Nguyễn Hữu Minh (SN 1980), Nguyễn Công Lộc (SN 1983) bị tuyên 24 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Còn Nguyễn Hữu Toàn, ở tội danh tương tự, 36 tháng tù giam.

Người dân thôn Chân Lạc cho rằng mức án đã tuyên là chưa hợp tình, hợp lý.

Đông đảo người dân thôn Chân Lạc có mặt ở vòng ngoài phiên tòa hôm ấy, hôm nay cũng có mặt tại một gian nhà nhỏ giữa thôn. Từ già đến trẻ, ai cũng muốn được nói, được thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng xung quanh vụ án.

Cụ Nguyễn Hữu Tỵ (SN 1940), đại diện cho thôn đưa chúng tôi xem bản cáo trạng của TAND huyện Yên Phong, thể hiện:

Khoảng 10h30 ngày 3.5.2018, tại khu vực trang trại gia đình ông Nguyễn Nhân Huệ (thuộc cánh đồng Me, thôn Chân Lạc), 4 người gồm: Lý, Thắng, Thuận và Thanh đã có các hành vi bắt giữ trái phép anh Nguyễn Hữu Sơn.

Tại thời điểm đó, anh Sơn là cán bộ Công an huyện Yên Phong đến làm việc liên quan đến dự án nhà máy rác nhưng không mặc cảnh phục, không mang thẻ.

Những gương mặt ưu tư của các bô lão trong làng.

Đến khoảng 12h30 cùng ngày, lực lượng Công an huyện Yên Phong đến đưa anh Sơn ra ngoài. Sau đó, Lý đã hô hào, kích động một số người dân thôn chặn giữ 2 xe ôtô của Công an huyện tại ngã tư đường giao thôn Ngô Xá và Phù Cầm từ trưa ngày 3.5.2018 đến sáng ngày 6.5.2018...

Nỗi lòng người trong cuộc

Đặt cáo trạng sang một bên, cụ Tỵ bức xúc: "Bản án chưa phản ánh hết những gì đã xảy ra. Chưa thể hiện được nỗi bức xúc kéo dài của người dân. Vì sao chúng tôi phản đối ư? Vì sức khỏe của người dân cái làng này, của cả bao thế hệ về sau nữa...".

Rồi lần lượt từng người trong cuộc phác họa cho PV hiểu hơn về nguồn cơn sự việc.

Theo đó, từ năm 2013, khi hay tin sẽ có một nhà máy xử lý rác thải được xây cất tại khu đồng Me (thôn Chân Lạc). Cho rằng nhà máy xây quá gần khu dân cư, không tuân thủ đúng khoảng cách được quy định, người dân thôn đã lập tức họp nhau lại, gửi nguyện vọng không tán thành đến các cấp chính quyền.

Khu vực đồng Me, nơi sẽ mọc lên nhà máy xử lý rác thải trong tương lai.

Tuy vậy, đến cuối năm 2014, bất chấp các ý kiến phản đối, dự án vẫn được ký duyệt với khoảng cách gần nhất đến nơi ở của người dân chỉ là 892m.

Đơn từ gửi đi khắp nơi, chính quyền từ tỉnh đến huyện cũng nhiều lần đối thoại, nhưng trong khi dự án vẫn chưa lấy được sự đồng thuận thì đến giữa năm 2016, một cuộc động thổ rình rang đã diễn ra ngay trước những ánh mắt đang tận cùng lo âu, bức xúc của người dân.

"Quan điểm của chúng tôi là dù chuyện gì xảy ra vẫn không nhất trí dự án này. Chúng tôi đồng lòng tiếp tục đấu tranh", nhiều người dân thôn cùng khẳng định.

Cần thấu tình, đạt lý

Quay lại vụ án hình sự, nói về hành vi Giữ người trái pháp luật, bà Nguyễn Thị Bột kể: Gần trưa ngày 3.5.2018, một người mặc thường phục đến khu vực trang trại nhà ông Huệ xưng là công an muốn làm việc về chỗ nhà máy rác.

Theo bà Bột, do không hiểu công an thì liên quan gì đến nhà máy rác nên người dân  đã yêu cầu người lạ phải tự chứng minh chức vụ, phải xuất trình thẻ ngành, nhưng anh này không đáp ứng.

 Đoạn đường nơi người dân chặn giữ 2 xe ô tô.

Sau đó, trưởng công an xã Dũng Liệt xuất hiện xác nhận người đàn ông đúng là công an huyện Yên Phong nhưng lại từ chối viết cam kết bằng văn bản theo đề nghị của đông đảo bà con. Sự việc nhùng nhằng khoảng 2 giờ đồng hồ thì công an huyện xuống hiện trường đưa người của mình về.

Về việc chặn giữ 2 xe ôtô của công an huyện Yên Phong, người dân Chân Lạc cho biết, do lúc công an huyện rời đi, dân tập trung trên đường rất đông nên đã họ bỏ 2 xe lại ven đường để đi phương tiện khác về. Người dân thấy vậy tiến hành cắt cử người canh giữ cho đến tận lúc xe được rời đi vào sáng 6.5.2018.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại (Văn phòng luật sư Hừng Đông), mức án dành cho 6 người dân thôn Chân Lạc là quá nặng và chưa xem xét thấu đáo hết các khía cạnh.

Theo luật sư, nguyên nhân sự việc là do người dân phản đối nhà máy rác mà theo họ là quá gần khu dân cư. Rõ ràng trong việc này, người dân không hề vì động cơ cá nhân mà vì lợi ích chung của cộng đồng.

Cùng với đó, theo luật sư Toại, vụ án bắt nguồn từ việc một đồng chí công an đi làm nhiệm vụ nhưng mặc thường phục. Khi nhân dân đề nghị xuất trình thẻ ngành thì không xuất trình chứ không phải người dân là chủ thể gây ra rắc rối.

"Do vậy, tại cấp xét xử phúc thẩm tới đây, tôi hi vọng công lý sẽ được thực thi, những tình tiết này sẽ được xem xét toàn diện, thấu tình, đạt lý" - LS Toại nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn