MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị hành hung khi đang tác nghiệp. Ảnh: Cắt từ clip

Bảo vệ phóng viên trước những đe doạ, cản trở, hành hung khi tác nghiệp

Vương Trần LDO | 19/06/2023 09:15

Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra một số vụ việc phóng viên báo chí bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp, nhất là khi đang phản ánh các sai phạm, tiêu cực... Trước những tình huống này, lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố cần kịp thời nắm bắt các thông tin các sự việc, nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ phóng viên, hội viên.

Nắm bắt kịp thời các tình huống, nhanh chóng vào cuộc

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can liên quan đến vụ phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị hành hung khi đang tác nghiệp trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa.

Theo đó, cơ quan công an khởi tố 2 bị can là: Phạm Văn Phương (SN 1981, trú tại Xuân Phú, Xuân Trường, Nam Định) và Lê Văn Hưng (SN 1984, trú tại Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) về Tội Cố ý gây thương tích. Hai đối tượng này đã có hành vi hành hung phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội khi đang tác nghiệp.

Đây là động tác mới nhất để bảo vệ phóng viên trước các đối tượng hành hung, cản trở quá trình tác nghiệp xảy ra tại Hà Nội.

Trước đó không lâu, vào tháng 3.2023, tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng, nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam VTV khi đang ghi hình về tình trạng những căn nhà siêu mỏng, siêu méo thì bị một số người dân manh động cản trở tác nghiệp.

Ngay sau đó, Công an xã Trung Hoà (huyện Thuỷ Nguyên) đã triệu tập tất cả những trường hợp cản trở phóng viên tác nghiệp lên làm việc, yêu cầu viết cam kết không tái phạm và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hay hồi đầu tháng 5.2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành công văn số 32 CV/HNBVN gửi UBND tỉnh Hưng Yên và Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên về việc đề nghị bảo vệ phóng viên, hội viên trước vụ việc có dấu hiệu xúc phạm danh dự, cản trở phóng viên khi tác nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm, Tập đoàn Y học Phúc Lâm.

Ông Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội - nhận định, phóng viên báo chí sẽ gặp phải cản trở, hành hung trong các trường hợp phản ánh, điều tra phanh phui các sai phạm. Do vậy, điều đầu tiên đó là cần phải nâng cao kĩ năng, khả năng tác nghiệp của phóng viên trong môi trường có những sự rủi ro như vậy. Khi thực hiện sản xuất các phóng sự điều tra, phản ánh tiêu cực, nhạy cảm cần phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương…

Cũng theo ông Tô Quang Phán, đối với các cơ quan báo chí phải bảo vệ phóng viên bằng văn bản, quy chế, thái độ rõ ràng. Khi có sự việc, sự cố, các cơ quan chức năng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ai vi phạm phải xử lí nghiêm.

Dự báo trước các khả năng, chuẩn bị các phương án tác nghiệp

Ông Phạm Văn Báu - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hoá - cho biết, khi có sự việc xảy ra liên quan tới cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên, báo chí thì Hội Nhà báo tỉnh sẽ nắm bắt thông tin cùng với đó sẽ kiểm tra, xác minh để bảo vệ quyền lợi hội viên theo Điều lệ của Hội Nhà báo. Hội Nhà báo tỉnh sẽ có tiếng nói bằng phát ngôn chính thức hoặc văn bản liên quan. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi có sự việc xảy ra cần nhanh chóng xác minh, làm rõ đúng sai để trả lời cho công luận tường minh vụ việc.

“Vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hoá phối hợp với công an tỉnh để tổ chức tập huấn, trao đổi về các thông tin về an ninh trật tự và cách thức tác nghiệp, khai thác thông tin, tránh những rủi ro không đáng có cho cơ quan báo chí” - ông Báu nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn