MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm 6 bị can trong đường dây mạo danh Shopee để lừa đảo chiếm đoạt 5 tỉ đồng của 40 nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp

Bắt băng nhóm lừa đảo trên mạng do đối tượng người nước ngoài cầm đầu

Việt Dũng LDO | 17/06/2022 16:27
Hà Nội - 6 thanh niên trong đường dây mạo danh Shopee tuyển cộng tác viên, chia hoa hồng do nhóm người Trung Quốc cầm đầu, để lừa đảo 40 nạn nhân, chiếm đoạt 5 tỉ đồng.

Chiều 17.6, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thông tin đã khởi tố, tạm giam 6 bị can gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (22 tuổi, Tuyên Quang); Vũ Văn Khôi (28 tuổi, Tuyên Quang); Lê Văn Thành (26 tuổi, Thái Bình); Nông Văn Hưng (17 tuổi, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (21 tuổi, Hà Nội) và Phan Trí Đạt (26 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện một băng nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh công ty Shopee.

Đây là băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp. Các đối tượng lừa đảo đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook để tuyển cộng tác viên cho công ty Shopee; hướng dẫn người bị hại kết bạn zalo, giao người bị hại thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể ban đầu các đối tượng yêu cầu người bị hại thực hiện nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng có giá trị thấp, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền gốc cộng với hoa hồng là 10% giá trị đơn hàng.

Sau đó sẽ nâng dần giá trị các đơn hàng có giá trị lớn và tìm lý do, tìm lỗi (trong việc nhắn tin sai cú pháp, chuyển chậm thời gian hệ thống yêu cầu...) và đề nghị người bị hại thực hiện mua đơn mới có giá trị lớn hơn thì sẽ chuyển trả lại tiền.

Sau nhiều lần thực hiện đến khi người bị hại không thể còn tiền để làm nhiệm vụ các đối tượng sẽ chặn zalo và xóa liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định băng nhóm tội phạm có dấu hiệu hoạt động có tổ chức, do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu và các đối tượng người Việt Nam thực hiện, đặt trụ sở tại Đặc khu Mộc Bài thuộc tỉnh Bavet – Capuchia nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh - Việt Nam.

Chúng phân công vai trò, nhiệm vụ, tổ chức cụ thể với từng thành phần, đặt biệt danh từ F1-F5. Trong đó, F1 - Đối tượng người Trung Quốc thường gọi là “LÃO ĐẠI” cầm đầu tổ chức.

F2 – 2 đối tượng Trung Quốc thường gọi là “A TRÍ” – “ĐẦU KHẤC” chịu trách nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên.

F3 – 3 đối tượng Trung Quốc thường gọi là “Thiên Mã” tổ trưởng, “Oằng Phăng” và một đối tượng chưa có thông tin chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh.

F4 – Tổ trưởng các tổ người Việt Nam gồm Đoàn Trần Lê Hoàng - tổ 1, Dũng – Tổ 2 (hiện chưa có thông tin) chịu trách  nhiệm giám sát các nhân viên hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3 “Thiên Mã” – tổ trưởng

F5 – Các thành viên người Việt Nam trong 2 tổ do Đoàn Trần Lê Hoàng – Dũng (chưa rõ nhân thân) quản lý. Trong đó mỗi tổ có số lượng gồm 11-12 cặp,  mỗi cặp gồm 1 tư vấn – 1 "giết khách," chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm Trung Quốc yêu cầu.

"Kịch bản" lừa đảo

Ban đầu, tất cả các nhân viên vào làm việc sẽ được cho đi tập đánh máy tính, soạn thảo văn bản. Sau khi thành thục sẽ được đưa cho một văn bản được soạn thảo trên máy tính với nội dung “Hướng dẫn việc giả là nhân viên của Công ty Shoppee”.

Đối với bộ phận “Tư vấn” sẽ có nhiệm vụ: Bước 1 chào hỏi khách hàng; Bước 2 lấy thông tin khách hàng: tên, tuổi, số điện thoại; Bước 3 hồ sơ nghề nghiệp, công việc đã làm của khách.

Bước 4 hướng dẫn khách về nhiệm vụ phải thực hiện trong việc mua các sản phẩm, mặt hàng để tăng lượt  giao dịch. Nếu khách hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hưởng 10 -15% tiền hoa hồng.

Bước 5 sau khi khách đồng ý tham gia, bộ phận “Giết khách” sẽ trực tiếp nói chuyện, giao cho khách thực hiện các nhiệm vụ mua các mặt hàng, gói sản phẩm dịch vụ (có giá trị lớn dần) rồi yêu cầu khách chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng thu mua, chuẩn bị từ trước đó.

Sau khi người bị hại chuyển tiền, nhắn tin xác nhận chuyển tiền với đối tượng “Giết khách”, đối tượng tìm lỗi trong việc chuyển tiền của khách (nhắn tin sai cú pháp, chuyển chậm thời gian hệ thống yêu cầu...) và tiếp tục yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo có giá trị lớn hơn, cho đến khi khách không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng phòng PC02, PA05 Công an Hà Nội thu thập củng cố tài liệu chứng cứ, bước đầu đã làm rõ chỉ trong tháng 2 đã có trên 40 người bị hại khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước bị lừa với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 5 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn