MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: LĐO

Bắt tạm giam Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Việt Dũng LDO | 10/12/2021 15:59
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thay đổi quyết định với ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế từ tại ngoại sang tạm giam.

Ngày 10.12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.

Lệnh bắt tạm giam được cơ quan tố tụng đưa ra sau hơn 1 tháng Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Cường.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm sát điều tra vụ án: "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TPHCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế".

Hơn 1 tháng trước, ông Cường bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma nhập nhẩu thuốc ung thư giả, Cơ quan chức năng cũng xác định: Bộ Y tế chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các trường hợp cụ thể phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở nước ngoài sản xuất thuốc, việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các biện pháp nghiệp vụ để tổ thẩm định có căn cứ đánh giá, xác minh doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thuốc trước khi trình duyệt, cấp phép nhập khẩu thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc thiếu trách nhiệm để 7 loại thuốc giả nhãn mác nhập về Việt Nam tiêu thụ gây thiệt hại 50,6 tỉ đồng.

Kết luận điều tra nêu rõ để xảy ra những sai sót trong việc nhập khẩu, cấp giấy đăng ký với 10 loại thuốc trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT-BYT cho phù hợp.

Trong giai đoạn 2011-2014, ông Trương Quốc Cường giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (ông Cường được bổ nhiệm giữ chức vụ này từ năm 2007). Ngày 25.4.2013, ông Cường được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường, người đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược thời kỳ 7.2007 đến tháng 11-2016

Ngày 21.11.2016, ông Trương Quốc Cường được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 2258/QĐ-TTg.

Như Lao Động đưa tin, giữa tháng 11 Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Theo đó, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trương Quốc Cường.

Cơ quan an ninh điều tra cũng cho rằng trong vụ án này còn có trách nhiệm của ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Xét duyệt thuốc.

Kết quả điều tra đến nay xác định ông Quang có trách nhiệm trong việc xét duyệt, quyết định cấp số đăng ký 2 loại thuốc dẫn đến hậu quả 2 loại thuốc này được VN Pharma sử dụng nhập khẩu thuốc giả vào Việt Nam.

Ông Quang bị cơ quan điều tra xác định đã thiếu trách nhiệm khi xem biên bản thẩm định, xem xét lại hồ sơ khi biên bản thẩm định có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi ý kiến. Hồ sơ chưa đúng trình tự song ông vẫn đồng ý đưa ra họp và quyết định cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc này.

Ông Quang còn có trách nhiệm trong việc ban hành các quy trình, quy chế về thẩm định cấp số đăng ký thuốc giai đoạn 2005 - 2010 gây bất cập trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc.

Cơ quan an ninh điều tra, cho rằng hành vi sai phạm của ông Quang có dấu hiệu phạm vào tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, ông Quang còn có dấu hiệu vi phạm quy định tại pháp lệnh lãnh sự năm 1990 và Thông tư 01/1999 của Bộ Ngoại giao.

Bộ Công an đã lấy lời khai những người có liên quan, đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ nhưng đến nay chưa có kết quả. Khi có kết quả trả lời của Bộ Y tế, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an sẽ chuyển đến Viện KSND Tối cao để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn