MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bêu tên kẻ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy?

Cường Ngô LDO | 24/03/2019 12:30

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, không nên bêu tên đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, vì khi mọi người nhìn thấy đối tượng ấy lại bàn tán về vụ việc. Nạn nhân lại bị xúc phạm thêm 1 lần, 10 lần, 1 nghìn lần nữa.

Nụ hôn 200.000 đồng: Công lý hay sự nhạo báng

Liên quan việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phạt 200.000 đồng đối với ông Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi) do ép cô gái 20 tuổi để ôm hôn, sàm sỡ trong thang máy, nhiều chuyên gia pháp lý đồng quan điểm cho rằng, chế tài xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Trong buổi talkshow: "Nụ hôn 200k: Công lý hay sự nhạo báng" diễn ra chiều 23.3 do Csaga tổ chức, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, việc chỉ phạt 200.000 đồng với đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy theo Nghị định 167 của Chính phủ thể hiện sự bức xúc của cộng đồng mạng. Họ bức xúc vì hình phạt, mức độ xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

"Tôi gọi hành vi của đối tượng Đ.M.H sàm sỡ nữ sinh trong thang máy là hành vi tấn công tình dục, không phải sàm sỡ, hay ép hôn như dư luận phản ánh. Việc xử phạt quá nhẹ như một trò đùa, sự mỉa mai, sự nhạo báng phẩm hạnh người phụ nữ. Rằng, danh dự, nhân phẩm của của người phụ nữ không được coi trọng đúng mức", TS Khuất Thu Hồng nói.

Các chuyên gia trong buổi talkshow.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi quy định của nhà nước yếu, phù hợp với thực tiễn thì còn có quy định khác lớn hơn, đó là quy định của đạo đức, của nhân cách. Đạo đức con người không cho phép đối tượng có hành vi tấn công tình dục phụ nữ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng.

Còn nhà văn Đỗ Bích Thủy - Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ, phía sau sự phẫn nộ của cộng đồng biểu lộ sự bất an. "Tôi là phụ nữ, tôi cũng có con gái nên sự phạt 200.000 đồng với đối tượng H, tôi thấy rất lo lắng. Xử phạt như vậy sẽ khiến những kẻ đã và đang có ý đồ sàm sỡ, ép hôn phụ nữ nhờn luật".

Bà Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Csaga, cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật đầy đủ, hiệu quả về quấy rối tình dục. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh như: Không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quy định cấm quấy rối tình dục chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động, trong khi hành vi này diễn ra ở mọi nơi, như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác. Bộ Luật Hình sự cũng không quy định xử lý các hành vi quấy rối tình dục xâm phạm nhân phẩm của cá nhân.

Có nên bêu tên đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy

Từ những phân tích trên, bà Vân Anh kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh các điều luật phù hợp, để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục.

Có chế tài, biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi quấy rối tình dục, để đảm bảo mọi hành vi bạo lực tình dục đối với nạn nhân, ở bất cứ độ tuổi, giới, xu hướng tính dục nào đều phải bị trừng phạt thích đáng. Đồng thời, sửa đổi Bộ luật Hình sự, thêm tội danh mới về quấy rối tình  dục.

Khi được đặt câu hỏi, có nên bêu tên đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, bà Vân Anh cho rằng, bà hiểu động thái này của xã hội. Tuy nhiên, hình phạt bêu tên rất kinh khủng, không phù hợp với văn hóa người Việt.

Còn bà Khuất Thu Hồng cho rằng: "Việc bêu tên đối tượng H, dán ảnh đối tượng này trong thang máy, tôi không thấy quốc gia nào làm như vậy, tôi nghĩ không nên làm như vậy. 

Khi mọi người thấy mặt đối tượng ấy, lại nhớ đến nạn nhân, và lại đặt câu hỏi, lại bàn tán, nạn nhân lại bị xúc phạm thêm 1 lần, 10 lần, 1 nghìn lần nữa".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn