MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Ngô Duy Chính - cựu Giám đốc BIDV Hà Thành trong vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà. Ảnh: V.Dũng.

Bí ẩn bút phê của ông Trần Bắc Hà cho Công ty Trung Dũng vay tiền

Việt Dũng LDO | 27/10/2020 14:09
Mặc dù Công ty Trung Dũng chưa đủ điều kiện để vay hàng trăm tỉ đồng, song chỉ với bút phê của cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, Chi nhánh Hà Thành đã răm rắp làm theo.

Sáng 27.10, TAND Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo gồm cựu lãnh đạo Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hà thành liên quan đến sai phạm trong việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Theo cáo buộc, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8.2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng cho Công ty Trung Dũng.

Các bị cáo đã giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Đối với tất cả 26 khoản vay, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ; không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến còn dư nợ hơn 600 tỉ đồng không có khả năng thanh toán.

Tháng 11.2011, Công ty Trung Dũng đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ gần hết hạn mức được cấp, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng các bị cáo vẫn đề xuất để BIDV phê duyệt phát hành L/C (thư tín dụng) theo món cho Công ty Trung Dũng để nhập khẩu phôi thép, thép phế.

Sau khi phát hành L/C, các bị cáo tại BIDV chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý hàng hóa mà không kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp tự ý bán toàn bộ lô phôi thép, thép phế là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C…, đến nay còn dư nợ hơn 260 tỉ đồng không có khả năng thanh toán.

Hành vi của các bị cáo tại BIDV chi nhánh Hà Thành đã gây thiệt hại cho BIDV tổng số tiền hơn 860 tỉ đồng.

Tại toà, bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) thừa nhận, năm 2011, khi được cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng, Công ty Trung Dũng có một số điều kiện chưa đủ, song việc quyết định là của Hội sở chính.

Ông Chính khai, ban đầu khi doanh nghiệp đề nghị cấp L/C, bị cáo đã từ chối. Sau đó báo cáo Chủ tịch HĐQT là ông Trần Bắc Hà thì ông Hà vẫn chỉ đạo cho mở L/C. “Phía Trung Dũng đề nghị và anh Hà phê duyệt", ông Chính trình bày.

Trả lời HĐXX về việc quản lý tài sản đảm bảo, bị cáo Chính cho biết bản thân biết việc phải phối hợp với doanh nghiệp giám sát hàng hóa đem đi bán, từ đó thu hồi nợ. “Khi hàng hóa về đến cảng, bị cáo có kiểm tra nhưng Trung Dũng dùng biện pháp gian dối, không giao hàng cho TISCO mà giao cho các công ty khác", bị cáo Dũng thừa nhận.

Khi bị hỏi về trách nhiệm, ông Chính cho rằng bản thân có liên đới, có các hành vi sai phạm, song đều thực hiện theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà và tin tưởng vào cán bộ cấp dưới.

Liên quan đến trách nhiệm để BIDV thiệt hại hơn 860 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó Giám đốc BIDV Hà Thành) thừa nhận có sai phạm trong quá trình đề xuất cho vay, thực hiện cho vay và quản lý sau vay...

Tuy nhiên, ông Giáp cho rằng bản thân ông chịu áp lực thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà. Theo lời khai của bị cáo, ông Hà đã buộc Giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác của các Phó Giám đốc chi nhánh; giao cho bị ông phụ trách quan hệ khách hàng thay cho một Phó Giám đốc khác do anh này có ý kiến dừng giải ngân.

Khi Công ty Trung Dũng đề nghị phát hành L/C, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nên ông Giáp và cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng phải thực hiện.

Tương tự, bị cáo Phạm Hồng Quang (cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1 - BIDV chi nhánh Hà Thành) khai, biết Trung Dũng có quan hệ với ông Trần Bắc Hà nên tiếp tục thực hiện giải ngân.

Khi Công ty Trung Dũng đề nghị mở L/C theo món thì trên công văn đề nghị của khách hàng đã có bút phê chỉ đạo của ông Hà trước khi chuyển đến Phòng Quan hệ khách hàng. Do đó, bị cáo và các cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành phải đề xuất cho vay.

Bị cáo khẳng định không biết ai đã chuyển công văn có bút phê của ông Hà. Bị cáo làm việc do sự chỉ đạo và chịu sức ép tinh thần từ cấp trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn