MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp trả lời quanh co trước tòa

HỮU HUY - ANH TÚ LDO | 15/03/2021 17:47

Tại phiên tòa ngày 15.3, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp liên tục trả lời quanh co, không đúng trọng tâm câu hỏi khiến HĐXX phải nhiều lần lên tiếng nhắc nhở…

Dương Thị Bạch Diệp khai không thế chấp khu nhà đất 57 Cao Thắng

This browser does not support the video element.

Video: Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khai không thế chấp khu nhà đất 57 Cao Thắng.

Chiều 15.3, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (quận 3) bước sang phần xét hỏi của HĐXX.

Trả lời HĐXX, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty TNHH BĐS Diệp Bạch Dương) đã phủ nhận cáo buộc mà cáo trạng đã truy tố mình.

“Việc hoán đổi này không như cáo trạng nêu. Bị cáo cũng không xin ông Tảo (ông Vy Nhật Tảo – Cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) điều gì cả. Cáo trạng cho rằng tôi vận động nhiều người để hoán đổi nhà đất. Sự thật, tôi không quen ai ngồi ở đây”- Bị cáo Diệp nói trước tòa.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp trả lời HĐXX tại phiên tòa chiều 15.3. Ảnh: Anh Tú

Cũng theo bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, vào khoảng năm 2012, bị cáo có làm đơn gửi bị cáo Nguyễn Thành Tài (thời điểm đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) để xin hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (quận 3).

Khi HĐXX nói về hành vi lừa đảo trong vụ án này, bị cáo Diệp đã cho rằng: Chưa bao giờ thế chấp nhà đất số 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng như cáo trạng nêu.

Tuy nhiên khi HĐXX đã đặt câu hỏi: không vay thì vì sao giấy tờ nhà đất 57 Cao Thắng lại nằm trong ngân hàng? Lúc này, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp liên tục trả lời quanh co.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như những gì cáo trạng quy kết. Ảnh: Anh Tú

“Nếu tôi thế chấp thì tại sao trong giấy chủ quyền không có cập nhật thế chấp phía sau trong giấy chủ quyền. Giấy chủ quyền nhà đất số 57 Cao Thắng cấp năm 2011 do ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) ký cấp, Ngân hàng đang giữ giấy này. Họ cho rằng chúng tôi chưa xóa thế chấp năm 2008 nên họ giữ. Tuy nhiên họ đã cập nhật thế chấp sai. Hợp đồng công chứng thế chấp năm 2008 là hợp đồng giả”- bị cáo Diệp trình bày.

Nghe câu trả lời của bị cáo Diệp, HĐXX cho rằng lời khai bị cáo là né tránh câu hỏi của HĐXX.

“Đề nghị bị cáo trả lời đúng vào câu hỏi của HĐXX. Đến nay, bị cáo vẫn không trả lời được vì sao giấy tờ nhà đất 57 Cao Thắng lại nằm trong ngân hàng”- Đại diện HĐXX nhắc nhở.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài: "Không đủ sức để kiểm tra..."

Trong phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thành Tài – Cựu phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết cáo trạng xác định hành vi của bị cáo là đúng nhưng có chỗ sai.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài. Ảnh: Anh Tú

“Trước 2 văn bản hoán đổi nhà tại 2 nhà đất nói trên, bị cáo có báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố lúc bấy giờ. Chủ tịch UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương hoán đổi. Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo bị cáo trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc hoán đổi này. Bị cáo là Phó Chủ tịch Thường trực không được phân công mảng quản lý đô thị nhưng được đồng chí Chủ tịch UBND thành phố phân công nên phải nỗ lực.

Bị cáo không có thông tin về việc hoán đổi trên là không đúng pháp luật. Bị cáo nhờ vào các cơ quan chức năng như Văn phòng HĐND -UBND TPHCM, thường trực Ban Chỉ đạo 09… để có tham mưu đề xuất phương án xử lý cho phù hợp”- bị cáo Nguyễn Thành Tài nói.

This browser does not support the video element.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài trả lời HĐXX.

Cũng theo bị cáo Tài, bản thân mình không đủ sức để kiểm tra hiện trạng nhà 57 Cao Thắng đang bị thế chấp ngân hàng và cũng không biết tài sản này không đủ điều kiện hoán đổi theo quy định.

“Hiện, Nhà nước đang mất đi tài sản 185 Hai Bà Trưng. Bị cáo có trách nhiệm liên quan đến việc này. Khi tôi về hưu thì công việc hoán đổi mới tiến hành nên tôi không thể kiểm tra” – Bị cáo Nguyễn Thành Tài nói.

Chiều 15.3, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo và những cá nhân, tổ chức khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo cáo trạng, vào năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ có trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM xuống cấp. Để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở, đơn vị này đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương do bà Dương Thị Bạch Diệp là đại diện pháp luật.

Sau đó, Dương Thị Bạch Diệp đã đề nghị xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Đổi lại, mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng của trung tâm này sẽ được nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương để hợp khối với số 179-181-183 Hai Bà Trưng, phục vụ nhu cầu xây dựng khách sạn 5 sao.

Đề nghị này được phía Trung tâm Ca nhạc nhẹ chấp thuận. Đến tháng 2.2008, bà Dương Thị Bạch Diệp làm đơn gửi UBND TPHCM xin hoán đổi 2 khu đất trên. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được lãnh đạo thành phố chấp nhận.

Trong thời gian chờ thỏa thuận hoán đổi, bà Diệp đã làm thủ tục thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Việc thế chấp này đã không được thông báo cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.

Tháng 3.2010, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đến gặp Nguyễn Thành Tài (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM) để trao đổi và đề nghị UBND TPHCM chấp thuận việc hoán đổi nêu trên.

Ngày 5.3.2010, Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.

Sau khi được phép hoán đổi tài sản nhà đất, Dương Thị Bạch Diệp được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, bị cáo này này không trả nợ cũ mà tiếp tục mang quyền sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng đến thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không còn khả năng trả nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn