MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa ngày 27.2.2017. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Hà Văn Thắm sẽ đối mặt với mức phạt tù nào khi bị khởi tố tội “Tham ô tài sản”?

Quang Hùng (ghi) ​ LDO | 24/05/2017 13:00
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) vừa quyết định khởi tố bổ sung vụ án “Tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS và các quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm về tội danh “Tham ô tài sản”, số tiền gần 50 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Với việc khởi tố thêm tội danh "Tham ô tài sản" nêu trên, ông Hà Văn Thắm sẽ phải đối diện với mức án phạt thế nào, khung hình phạt ra sao? Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: Tham ô tài sản được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Chủ thể của tội này (người thực hiện hành vi phạm tội) là người có chức vụ, quyền hạn, người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội tham ô tài sản như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng (hoặc dưới 2 triệu đồng thuộc khoản 1 Điều 278 BLHS) đến 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trước đó, vào cuối tháng 2.2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Theo đó, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm, cùng 47 bị cáo bị đưa ra xét xử 3 tội danh: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo luật sư Đặng Thị Tâm, nguyên tắc của Luật Hình sự là, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và được BLHS quy định là tội phạm thì phải chịu hình phạt. Người bị nhiều tội sẽ bị tuyên nhiều hình phạt, khi xét xử Tòa án phải tổng hợp tất cả các hình phạt đã tuyên thành hình phạt chung theo quy định tại điều 50 Bộ luật Hình sự.

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều  này;

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

2. Đối với hình phạt bổ sung:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn