MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau phiên tòa phúc thẩm, phải nhận 3 năm tù, bị cáo Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tự tự tại tòa. Ảnh: Đình Trọng.

Bị cáo Lương Hữu Phước đã chết, vụ án sẽ được xem xét ra sao?

Việt Dũng LDO | 06/06/2020 13:01
TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh vừa có kháng nghị xem xét lại vụ án liên quan đến bị cáo Lương Hữu Phước (ở Bình Phước), vậy khi nào diễn ra phiên giám đốc thẩm, vụ án được xem xét như thế nào?

Chiều hôm qua, (5.6), Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã họp về vụ án ông Lương Hữu Phước. Sau đó, Chánh án TAND Cấp cao đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND thành phố Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án, cũng như chưa làm rõ lời khai của đối tượng liên quan.

Liên quan đến việc kháng nghị trên, Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc mở phiên tòa giám đốc thẩm tuân thủ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Theo ông Long, Điều 385. Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm: Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Trong khi đó, Điều 386, quy định về thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm gồm:

1. Sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

3. Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

Điều 387. Phạm vi giám đốc thẩm quy định: Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Ông Long nhấn mạnh, trường hợp, sau phiên tòa giám đốc thẩm, hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, do bị cáo Phước đã qua đời, do đó vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết.

Tuy nhiên, gia đình ông Phước có đơn thư yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Phước thì TAND có thẩm quyền sẽ giải quyết theo quy định pháp luật.

Sáng 29.5, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo kêu oan, y án sơ thẩm của TAND Thành phố Đồng Xoài tuyên phạt ông Lương Hữu Phước 3 năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đến chiều cùng ngày, ông Phước đã đến TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử, gây bàng hoàng dư luận trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn