MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh: TTXVN.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai gì về việc mua đất ở Tam Đảo

Việt Dũng LDO | 09/03/2021 14:07

Liên quan đến vụ mua lô đất tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trịnh Xuân Thanh khai do vợ, em ruột và một người khác góp, chứ bị cáo không tham gia.

Trong vụ án sai phạm tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ - Ethanol Phú Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc hai tội danh.

Trong đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của ông Trịnh Xuân Thanh liên quan đến dùng tiền dự án mua lô đất tại thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trước Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội, ông Trịnh Xuân Thanh thừa nhận, sau khi lập Công ty CP Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc), PVC có ký hợp đồng số 173 để thực hiện dự án xây lắp Nhà máy sợi tơ Đình Vũ. PVC góp 5% vốn thương hiệu với PVC Kinh Bắc.

Liên quan đến khoản tiền tạm ứng 25 tỉ đồng để thực hiện hợp đồng 173, theo quy kết là trái quy định pháp luật, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho hay, không bao giờ "chốt" là bao nhiêu tỉ, với cương vị của Chủ tịch HĐQT.

Bị cáo chỉ yêu cầu phải tạm ứng tiền theo đúng hợp đồng, còn đâu nếu quá thì trên cơ sở Tổng Giám đốc và các đơn vị thi công phối hợp với chủ đầu tư…

Lý giải về việc chỉ đạo chuyển 21 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng cho PVC Kinh Bắc thành tiền góp vốn, Trịnh Xuân Thanh cho rằng, PVC góp vốn vào rất nhiều công ty theo quy hoạch mà Tập đoàn dầu khí Việt Nam phê duyệt.

Theo bị cáo, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến không được góp vốn bằng thương hiệu mà phải bằng tiền. Do đó, PVC bắt buộc phải chuyển góp vốn thương hiệu 10% đó sang thành tiền.

Bị cáo cho rằng, chủ trương góp vốn vào các công ty con của tổng công ty, và thoái vốn là chủ trương đã được phê duyệt, nằm trong quyền HĐQT. Nếu không quá mức tiền quy định thì không phải xin ý kiến tập đoàn.

"Khi PVC Kinh Bắc có đề nghị chúng tôi góp vốn, tôi đồng ý chủ trương", Trịnh Xuân Thanh khai. Bị cáo phủ nhận việc góp vốn và cho rằng, một Phó Tổng giám đốc là người đã ra quyết định góp vốn. Theo bị cáo quyết định đó là hoàn toàn sai về luật.

Bị cáo nói thêm rằng, bản thân đã quyết định không góp thêm. "Thực ra tôi giúp công ty đòi nợ về chứ không phải cái gì gọi là gian dối cả", bị cáo Thanh trình bày.

Cũng theo bị cáo, năm 2010, khi ông Đỗ Văn Hồng - Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc có nói chuyện đầu tư resort ở Tam Đảo để bán, kinh doanh. Bị cáo có nói "đầu tư đi, anh mua một căn".

Sau đó ông Hồng làm chứ không có liên quan gì đến bị cáo, tại vì không phải xin ý kiến bị cáo. Trong quá trình làm, không biết vì sao lại bảo bị cáo chỉ đạo cho ai ứng tiền là hoàn toàn không có chuyện đấy.

Năm 2016, nhà bị cáo thỉnh thoảng lên Tam Đảo chơi. Hồng bảo với bị cáo xem có ai mua đất không. Bị cáo có nói "để xem", về nói chuyện với vợ.

Tiếp đó, bị cáo Thanh cho hay, số tiền mua mảnh đất tại Tam Đảo từ nguồn góp của em trai, vợ và một người khác. Bản thân bị cáo không quan tâm đến việc mua bán đó, cho tới tận bây giờ.

"Với vị trí của tôi, tôi có lấy tiền của ông Hồng thì việc gì phải nợ", bị cáo Thanh nói. Sau đó, việc mua bán thì vợ và bị cáo Hồng biết. Bị cáo chỉ biết không có nợ nần gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn