MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo ngoái nhìn người thân với ánh mắt buồn bã. Ảnh: V.Dũng

Bi kịch đằng sau vụ án cha già mang tội giết con

Việt Dũng LDO | 23/05/2021 14:09
Ngay cả toà án trong phần nhận định, nguyên nhân của bi kịch vụ án cha già đánh con đến tàn phế, một phần do sự ngược đãi với đấng sinh thành... từ bị hại

Phiên toà phúc thẩm do TAND Cấp cao tại Hà Nội mở hôm 20.5 vừa qua, một lần nữa để xem xét lại bản án đối với bị cáo Nguyễn Văn Đức (68 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) về tội danh Giết người.

Một lần nữa, người ta lại thấy hình ảnh bị hại - con trai ông Đức ngồi trên xe lăn được người thân đưa đến toà.

Một lần nữa, người ta thấy những giọt nước mắt đau khổ trên gương mặt già nua của người cha, rơi xuống, khi lực lượng dẫn giải bị cáo vào phòng xét xử.

Phòng xử án của toà phúc thẩm rộng thênh thang, trong khi bị cáo với mái tóc bạc màu, nhỏ nhắn, gày gò, ngồi co ro trước bục khai báo.

Theo như thông báo từ chủ toạ phiên toà phúc thẩm, phiên xử được mở ra do bị cáo cũng như bị hại đều có đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, ông Đức là bố của anh Nguyễn Văn T. (42 tuổi). Từ khoảng tháng 3.2020, anh T. thường xuyên chửi bới bố mẹ và vợ, khiến gia đình lâm cảnh mâu thuẫn lục đục. Cũng từ đây xảy ra bi kịch của vụ án - cha mang tội giết con.

Khoảng 17h ngày 14.6.2020, anh T. đi chơi về, thấy vợ là chị Nguyễn Thị T. (40 tuổi) đang nấu cơm.

Tú đi vào bếp, mở nồi cơm, thấy ít nên đá nồi cơm và nói: “Mày nấu thế này thì mày ăn một mình đi”. Bị chồng đuổi, vợ anh T. kêu to: “Bố mẹ ơi, nó đánh con”.

Lúc này, ông Đức và vợ nghe thấy tiếng con dâu nên đã chạy sang nhà T. (ở sát bên). Người mẹ hỏi con: “Sao mày lại thế? Sao mày lại đánh nó?” T. buông lời chửi bới, thách thức mẹ: “...thích chết thì vào hết đây”.

Chứng kiến con trai hỗn láo, ông Đức nói: “Tao thích chết thì mày làm gì được tao”. T. cầm ấm tích để trên bàn giơ lên định ném về phía bố.

Trong cơn tức giận, ông Đức đi ra gốc cây nhãn, lấy cây gậy đinh ba bằng kim loại, chạy vào phòng khách, đứng sau con trai, dùng đinh ba đâm vào cổ, thắt lưng con trai, khiến anh T. ngã xuống nền nhà.

Gây án xong, khoảng 22h30 cùng ngày, ông Đức đến Công an xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Bản án sơ thẩm xác định nạn nhân bị tổn hại 99% sức khoẻ.

Với tội danh trên, cấp sơ thẩm do TAND TP Hà Nội mở đã tuyên phạt bị cáo Đức 7 năm 6 tháng tù giam.

Đứng trước toà, bị cáo Đức run rẩy thừa nhận bản án sơ thẩm cáo buộc hành vi gây ra với con trai là đúng. Trong khi đó, do bị cáo buộc giết người nên bị cáo Đức được toà để luật sư chỉ định tham gia bào chữa.

Bào chữa cho bị cáo, cả phiên sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Đức có dấu hiệu của tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, theo Điều 125, với hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Do đó, luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Luật sư cũng đưa ra các tình tiết bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao, sức khoẻ yếu...

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ xét xử, nghị án, trong khi ra tuyên án, HĐXX nhận định, người bị hại đã vi phạm đạo đức khi đánh chửi, ngược đãi bậc sinh thành...

"Hành vi phạm tội của bị cáo do lỗi của bị hại và là nguyên nhân phát sinh vụ án", HĐXX nêu nhận định.

Theo đó, toà phúc thẩm cho rằng, mức hình phạt 7 năm 6 tháng tù giam có phần nặng, cần thiết sửa án sơ thẩm. Từ đó, chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, toà phúc thẩm tuyên giảm cho bị cáo Đức mức án còn 5 năm 6 tháng tù giam.

Nghe mức án trên, bị cáo Đức tiếp tục bật khóc. Người con trai ngồi trên xe lăn cũng rớm lệ.

Theo luật sư Thơm, qua vụ án cho thấy, mỗi người cần có cách đối nhân xử thế với bậc cha mẹ sao cho phải đạo làm con, để không phải cuối cùng có những nỗi ân hận giày vò.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn