MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chỉ sau cuộc điện thoại

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 16/10/2019 14:45

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo qua điện thoại, tự xưng nhân viên công quyền để uy hiếp tinh thần nạn nhân.

"Thanh tra Bộ Giáo dục đây..."

Cô Lê Thị Châu Loan (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) là một trong số những trường hợp bị các đối tượng gọi điện tự xưng là Thanh tra Bộ GD-ĐT sau đấy lừa rút số tiền 21 triệu đồng trong tài khoản thẻ ATM của cô. Theo cô Loan, sự việc xảy ra vào ngày 13.6, thời điểm này cô đang nghỉ hè ở nhà thì có số điện thoại lạ gọi vào số máy của cô tự xưng là Thanh tra Bộ GD-ĐT đang ngồi với lãnh đạo và kế toán nhà trường để kiểm tra về công tác tài chính, thu nhập tiền lương của các giáo viên trong trường.

Người này nói rằng cô Loan và một số giáo viên khác trong trường có nghi vấn về tiền lương trong tài khoản ngân hàng và dọa sẽ báo với cấp trên để đuổi việc, đình chỉ công tác nếu cô Loan không hợp tác. Để tạo lòng tin người này còn mở cho cô Loan nghe giọng nói của Hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường qua điện thoại.

Sau đấy người này yêu cầu cô Loan phải cung cấp tài khoản ATM, mật khẩu, mã xác thực của ngân hàng dùng trong giao dịch trực tuyến (mã OTP gửi qua tin nhắn điện thoại) để kiểm tra. Để chứng mình tài chính của mình là minh bạch, cô Loan đã cung cấp các thông tin theo yêu cầu.

“Chỉ sau ít phút cung cấp các dữ liệu, tôi thấy tin nhắn điện thoại báo về tài khoản bị trừ 21 triệu đồng, lúc này tôi mới gọi điện cho cô Hiệu trưởng để xác minh thì được biết không có bất kỳ đoàn Thanh tra nào của Bộ GD-ĐT về làm việc với trường. Biết mình đã bị lừa nên tôi đã làm đơn trình báo sự việc với Công an thành phố Tam Điệp” – cô Loan nói.

Giả danh công an

Mới đây nhất là trường hợp của anh Trần Văn Q (cán bộ đang công tác tại Ninh Bình) cũng bị một số đối tượng tự xưng là Công an quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội gọi điện, nói số tài khoản của anh có liên quan đến một vụ án rửa tiền và có thể bị bắt khẩn cấp để điều tra. Để không bị bắt và được tại ngoại, các đối tượng này yêu cầu anh Q phải chuyển số tiền bảo lãnh là 20 triệu đồng vào tài khoản của Cơ quan điều tra do chúng cung cấp.

“Các đối tượng này nói nếu khi điều tra xong và chứng minh tài khoản của tôi không có liên quan gì đến lừa đảo, rửa tiền thì họ sẽ chuyển trả lại. Sau khi chuyển tiền xong thì tất cả các số điện thoại trên đều không liên lạc được, lúc này tôi mới biết mình bị lừa” – anh Q nói.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình phát đi thông báo về tình trạng lừa đảo qua điện thoại để người dân cảnh giác. Ảnh: NT

Việc điều tra bọn lừa đảo gặp khó khăn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook… là rất phổ biến, các đối tượng thường giả danh là Công an, Viện Kiểm sát.

“Việc điều tra những vụ việc này gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì các nạn nhân sau khi bị lừa đảo thì có tâm lý ngại trình báo với cơ quan Công an một phần vì các đối tượng lừa đảo sử dụng những số điện thoại rác nên rất khó để lần ra đầu mối. Hiện chúng tôi đã phát đi thông báo về tình trạng lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook… để người dân cảnh giác và khi xảy ra sự việc thì đến cơ quan Công an để trình báo” – đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn