MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua (5.5), nói về người nhập cảnh trái phép. Ảnh: Trần Vương.

Bộ Công an đang rà soát để làm rõ mục đích của người nhập cảnh trái phép

Việt Dũng LDO | 06/05/2021 14:19
Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh thành rà soát để phát hiện, làm rõ mục đích của người nhập cảnh trái phép cũng như xử lý các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép.

Trả lời bên lề họp báo tối 5.5, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo báo cáo của công an 39/63 tỉnh, có 199 vụ nhập cảnh trái phép với tổng số 1.443 người Trung Quốc. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động sáng 6.5, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, số người nhập cảnh trái phép như thế là theo báo cáo từ 39 tỉnh, thành. Tuy nhiên, không loại trừ số lượng người nhập cảnh trái phép có thể là hơn. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, cơ quan chức năng đang điều tra truy vết mục đích của nhóm người đó vào Việt Nam.

Theo điều tra, cơ quan công an cho thấy, một số người này nhập cảnh trái phép chủ yếu là lang thang tìm công ăn việc làm. Thứ hai, mục đích của họ là tìm đường sang nước thứ ba (Campuchia và Lào).

Tuy nhiên, hiện hai nước này, dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp nên khả năng những người này sang đó cũng khó. Các nước này khi phát hiện sẽ trả những người nhập cảnh trái phép về nước, Việt Nam cũng vậy. Vì thế có một số lượng người bị lưu lại Việt Nam.

“Cơ quan chức năng đang tổng kiểm tra rà soát để xác định đường đi, mục đích cụ thể của những người nhập cảnh trái phép như thế nào”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Liên quan đến mục đích những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để hoạt động phi pháp, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, không loại trừ khả năng này.

Có một số mang tính cá thể, những người này nhập cảnh trái phép vào một số doanh nghiệp của Trung Quốc lập ở Việt Nam. Chủ doanh nghiệp muốn thuê người đồng hương để làm việc vì cùng văn hoá. Trung tướng Xô nhắc lại việc những người đó sẽ làm ảnh hưởng đến công văn việc làm của người dân Việt Nam.

“Chính phủ hoan nghênh người lao động là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, hoặc các chuyên viên vào Việt Nam. Song số này chỉ vào để kiểm tra giám sát một số công việc cụ thể thôi”, Trung tướng Xô cho hay.

Tuy nhiên, những đường dây đưa người nhập cảnh trái phép đã lợi dụng chính sách này.

Trước tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, hôm 4.5, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra công lệnh tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc đối với tất cả những người nước ngoài nhập cảnh để phát hiện người nhập cảnh trái phép.

Việc kiểm tra nhà nghỉ, khách sạn, các nơi lưu trú để phát hiện người nhập cảnh trái phép đang được lực lượng công an đẩy mạnh trong những ngày vừa qua. Đối với những nhà nghỉ, khách sạn không thực hiện đúng các quy chế thì có thể rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự.

“Lực lượng công an sẽ sớm khởi tố và khởi tố kiên quyết đối với các vụ việc nhập cảnh trái phép, người môi giới, người đưa đi. Đối với những người nhập cảnh trái phép nếu không mắc COVID-19 thì sẽ đưa trở lại nơi xuất phát,” Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua quá trình tổng rà soát, các lực lượng chức năng sẽ nắm bắt được các phương thức, thủ đoạn đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

“Các đơn vị, các tỉnh thành đang làm việc này”, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin với Lao Động.

Trước đó, hôm 5.5, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức tại Hà Nội, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, thống kê của Bộ Công an từ đầu năm đến nay cho thấy số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam khoảng 150.000 người.

Trong đó nhập cảnh qua đường bộ là khoảng 110.000 người, nhập cảnh qua đường hàng không là khoảng 40.000 người.

Con số này cũng cho thấy số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam là rất đông, bao gồm chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của công an 39/63 tỉnh, có 199 vụ nhập cảnh trái phép với tổng số 1.443 người Trung Quốc. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn