MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chí Hiếu (phải), ông Vũ Đình Duy (giữa) giới thiệu sản phẩm cho ông Phùng Đình Thực - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN. Ảnh: T.L

Bóc gỡ “tập đoàn sai phạm” liên quan đến PVN

Linh Anh LDO | 21/06/2017 18:30
Ngày 19.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 nhân vật nguyên là những nhân vật cộm cán của dự án xơ sợi Đình Vũ và một người có liên quan là Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty PVC Kinh Bắc. Những sai phạm tại dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ được cho là đã “gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời danh sách liên quan đến PVN thời Trịnh Xuân Thanh ngày một dài thêm.
Những “át chủ bài” trong sai phạm tại PVTex

Những nhân vật bị khởi tố gồm Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX); Vũ Đình Duy - nguyên Tổng Giám đốc PVTEX; Vũ Phương Nam - Kế toán trưởng PVTEX; Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX; Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty PVC.KBC. Riêng Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam hồi đầu tháng 4.2017 trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty PVC và PVC.KBC với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trần Trung Chí Hiếu là ai? Vì sao bị khởi tố, bắt tạm giam là câu hỏi không dễ trả lời bởi trước nay vấn đề liên quan đến sai phạm ở PVTEX dường như chỉ tập trung vào Tổng Giám đốc Vũ Đình Duy (đã bị buộc thôi việc từ tháng 12.2016, ra nước ngoài chữa bệnh hiện chưa có tin tức).

Trần Trung Chí Hiếu sinh năm 1963, là tiến sĩ Kinh tế. Năm 2008, ông Hiếu là Ủy viên HĐQT Cty cổ phần chứng khoán dầu khí. Năm 2009, ông Hiếu thôi làm ở Cty này. Sau đó, ông Hiếu chuyển sang PVTEX làm người đại diện phần vốn của PVN tại PVTEX giữ vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVTEX đến tận cuối năm 2014. Sau khi rời PVTEX ông Hiếu đại diện phần vốn của Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Tràng An để trở thành Chủ tịch HĐQT Cty Thương mại dầu khí (Petechim).

Tất nhiên không thể không kể đến cánh tay đắc lực - Vũ Đình Duy, giữ chức Tổng Giám đốc PVTEX từ ngày 15.7.2009 đến tháng 2.2014.

Sau khi bị giáng xuống chức Phó Tổng giám đốc PVTEX vì Cty thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, ông Vũ Đình Duy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng (từ tháng 12.2014 đến tháng 6.2015). Tiếp đến ông Vũ Đình Duy được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp của Bộ Công Thương.

Cuối cùng, ông Vũ Đình Duy được điều động và bổ nhiệm về Vinachem hồi giữa tháng 4 năm 2016, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới thay ông Vũ Huy Hoàng.

Ông Vũ Đình Duy bắt đầu vắng mặt tại cơ quan Vinachem từ ngày 24.10. Ông Duy sau đó có 2 đơn xin nghỉ ốm gửi lãnh đạo tập đoàn, trong đó đơn ngày 31.10 nêu lý do “xin nghỉ để đi nước ngoài chữa bệnh”. Sau nhiều lần liên lạc bất thành, Vinachem đã gửi văn bản báo cáo chính thức tới Bộ Công Thương vào ngày 2.11.

Ngày 1.12.2016, ông Vũ Đình Duy bị Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Vai trò của Đỗ Văn Hồng là gì?

Theo tìm hiểu của Lao Động, Đỗ Văn Hồng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Cty PVC Kinh Bắc. Đây là Cty con của PVC. Công ty này tiền thân là tổ hợp xây dựng Tân Thành, năm 1992 trở thành Xí nghiệp xây dựng Tân Thành, đến năm 1997 đổi tên thành Cty xây dựng Đào Viên. Tháng 7.2009, PVC đầu tư, góp vốn vào Đào Viên và trở thành PVC - Kinh Bắc (PVC-KBC). Với số vốn đăng ký chỉ 50 tỉ đồng (năm 2009) được tăng lên 150 tỉ và trụ sở đặt tại 119 Huyền Quang (Bắc Ninh). Từ một Cty nhỏ, với “bàn tay vàng” của PVC, PVC - Kinh Bắc bỗng “vươn mình đứng dậy” góp mặt ở nhiều công trình lớn như tham gia xây lắp Cty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí PVTEX tại KCN Đình Vũ và tham gia xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Điều đáng nói, cả hai công trình trọng điểm mà PVC - Kinh Bắc của ông Đỗ Văn Hồng tham gia đều có những dấu hiệu sai phạm về tài chính dẫn đến thua lỗ lớn, gây bức xúc trong dư luận.

Có thể nói dù đã bị khởi tố hồi tháng 4.2017 để điều tra về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thì lần này lại xuất hiện cho thấy nhiều mối liên hệ và liên quan của nhân vật này trong quá trình tham gia xây dựng và làm thất thoát khối tài sản khổng lồ ở PVTEX.

Sai phạm ra sao?

Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố hồi cuối năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ có quy mô đầu tư lớn với giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra là 363.528.263,03 USD.

Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỉ đồng.

Thanh tra cũng kết luận: PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTEX, nhưng trong quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTEX để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc chỉ đạo điều hành thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTEX (là Chủ tịch HĐQT Trần Trung Chí Hiếu) trong việc thực hiện dự án còn thiếu thường xuyên, dẫn đến quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, dự án không hiệu quả.

Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc PVTEX phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư khi không tổ chức thẩm định; nội dung dự án không đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá 38.742.310 USD.

Thanh tra kết luận: Trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các vi phạm trên thuộc Tổng Giám đốc (tức ông Vũ Đình Duy), Hội đồng quản trị PVTEX (trong đó có Chủ tịch HĐQT Trần Trung Chí Hiếu).

Điều đáng nói, năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải thoái vốn khỏi PVTEX từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, đi ngược chỉ đạo trên, quyết nghị của Bộ Công Thương và các nghị quyết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đẩy tỉ lệ vốn của PVN tại PVTEX tăng từ 56% lên 75%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn