MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phan Thanh Hữu lúc mới bị bắt và khi hầu toà. Ảnh: Hà Anh Chiến

Buôn lậu 200 triệu lít xăng: Ai lo quan hệ lực lượng chức năng, đưa hối lộ?

HÀ ANH CHIẾN LDO | 30/10/2022 09:03

Đồng Nai - Trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, quê Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh) là người chịu trách nhiệm tìm khách hàng để bán xăng lậu, thanh toán trả trước tiền mua xăng cho chủ hàng Singapore và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ phục vụ cho hoạt động buôn lậu xăng.

Phan Thanh Hữu thu lợi bất chính hơn 156 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Phan Thanh Hữu được xác định là bị cáo có số tiền thu lợi bất chính lớn nhất hơn 156 tỉ đồng từ việc buôn lậu xăng. Tại phiên toà, Hữu tóc bạc trắng đầu so với những ngày mới bị bắt.

Để tham gia buôn lậu với nhóm của Đào Ngọc Viễn, đầu năm 2019, Hữu đã hoán đổi tiền góp vốn tại Công ty TNHH Hà Lộc Phát tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để nhận lại 4 tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09. Sau đó, Hữu thành lập Công ty TNHH Hải Minh Nhật để đăng ký chủ sở hữu và quản lý 4 tàu Nhật Minh nêu trên. 

Tàu Nhật Minh 07 và Tàu Nhật Minh 09 có trọng tải 1.500 tấn bắt giữ ngày 24.2.2021. Ảnh: Công an Đồng Nai 

Phan Thanh Hữu thuê Đinh Văn Đoàn (là em kết nghĩa của Hữu, ngụ TP. Vũng Tàu) làm Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh Nhật với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mọi hoạt động của Công ty này đều do Hữu trực tiếp chỉ đạo, điều hành. 

Hữu soạn sẵn các hợp đồng vận chuyển nhưng để trống ngày, tháng rồi đưa cho Đoàn ký trước nhằm che giấu và hợp thức hóa trong quá trình vận chuyển xăng nhập lậu. Đoàn chỉ được Hữu giao nhiệm vụ khi các tàu Nhật Minh bị hư hỏng thì mua vật tư, thiết bị sửa chữa tàu và đổi giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của 4 tàu trên.

Đến tháng 7.2019, Phan Thanh Hữu tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh do Hữu làm Giám đốc, sử dụng pháp nhân của Công ty này để hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ nguồn xăng nhập lậu.

Khi có nhu cầu mua xăng lậu, Hữu là người trực tiếp mang tiền USD đưa cho đại diện chủ hàng Singapore tại TPHCM là A Hùng (người Hoa, quốc tịch Singapore chưa rõ lai lịch) mỗi lần từ 400.000 USD – 1,2 triệu USD. Sau khi thanh toán tiền xăng lậu cho chủ hàng thì Viễn sẽ điều tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea đang neo đậu ở vùng biển tự do sang Singapore nhập xăng lậu về một trong 2 vị trí toạ độ được quy ước sẵn gọi là Nhà 1 và Nhà 2 để bơm xăng sang các tàu Nhật Minh đưa về tiêu thụ nội địa.

Hữu dùng các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 của Hữu neo đậu trên sông Hậu (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đi ra đến Nhà 1 và Nhà 2 để nhập xăng Ron 95 từ các tàu Pacific Ocean và Western Sea của Đào Ngọc Viễn vận chuyển vào nội địa để bán. Trong suốt quá trình giao nhận, vận chuyển xăng lậu, Hữu không cho các thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại mà chỉ có thuyền trưởng các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 được sử dụng điện thoại liên lạc với Hữu để tránh bị cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện hành vi vận chuyển xăng lậu Hữu còn sử dụng tàu Nhật Minh 06 neo đậu cố định tại khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ để làm kho nổi chứa xăng nhập lậu. 

Hàng tháng, Hữu có trách nhiệm tổng hợp tiền bán xăng lậu sau khi đã trừ tiền mua hàng và tiền phí vận chuyển. Tiền lợi nhuận còn lại sẽ được chia theo tỉ lệ vốn góp ban đầu, trong đó Hữu được hưởng 40% còn nhóm của Đào Ngọc Viễn được hưởng 60%.

Việc trả tiền mua bán xăng lậu được thực hiện bằng hình thức thanh toán qua tài khoản, ngoài ra Hữu và con trai là Phan Lê Hoàng Anh còn gặp gỡ các khách hàng để trực tiếp thu tiền mặt.

Từ tháng 3.2020 – tháng 2.2021, Phan Thanh Hữu và con trai Phan Lê Hoàng Anh đã chuyển tiền buôn xăng lậu cho Viễn qua tài khoản ngân hàng 72 lần với tổng số tiền hơn 280 tỉ đồng. 

Chi gần tỉ đồng để "lo lót" khi bị hải quan phát hiện

Theo cáo trạng, từ tháng 3.2020 – 2.2021, Phan Thanh Hữu đã chỉ đạo các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 đi ra các toạ độ Nhà 1 và Nhà 2, cập mạn các tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea của Đào Ngọc Viễn, vận chuyển tổng cộng hơn 197 triệu lít xăng Ron 95 nhập lậu, đưa về khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ số lượng hơn 160 triệu lít, bán cho Trần Thanh Vân (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Vân Trúc ở Bình Dương) hơn 35 triệu lít. Số xăng Ron 95 nhập lậu, Hữu chưa kịp bán đã bị công an điều tra phát hiện thu giữ là hơn 1 triệu lít. Cáo trạng xác định Hữu đã thu lợi bất chính số tiền hơn 156 tỉ đồng. 

Về giá bán xăng lậu, Hữu bán cho Nguyễn Hữu Tứ với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 4.000 đồng/lít và bán cho Trần Thị Thanh Vân với giá thấp hơn 3.000 đồng/lít.

Tại phiên toà, đối với khoản tiền thu lợi bất chính, Hữu khai rằng, các tàu Nhật Minh của Hữu chỉ có 127 triệu lít xăng được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Số còn lại Hữu bán cho các đầu mối khác để đưa sang Campuchia tiêu thụ.

Hữu cũng cho rằng việc xác định nguồn thu nhập bất chính của Hữu trong vụ án này hơn 156 tỉ đồng là không chính xác như được nêu trong cáo trạng, mà Hữu chỉ thu lợi hơn 102 tỉ đồng.

Cũng trong vụ án này, Ngô Văn Thuỵ - Nguyên là Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam trực thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cũng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ. 

Ngô Văn Thuỵ - Nguyên là Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam trực thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan tại toà. Ảnh: Hà Anh Chiến 

Trong quá trình tiếp nhận xăng nhập lậu, nhận được thông tin có lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đang triển khai lực lượng để bắt giữ các tàu Nhật Minh, nên Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách gặp Thụy. Tứ gọi điện cho Hữu thông báo đã đưa cho Thụy 10.000 USD, 1 thẻ ATM có hơn 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu đi xe máy trực tiếp đến nhà Thụy, đưa thêm 500 triệu đồng để Thụy không bắt giữ các tàu Nhật Minh. Tổng số tiền Thuỵ đã nhận là hơn 830 triệu đồng.

Tại toà, Phan Thanh Hữu cũng khai: "Quá trình buôn xăng lậu, bị cáo đều báo cho một số cán bộ Cảnh sát biển, biên phòng và một số lực lượng khác để không bị xử lý".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn