MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trịnh Xuân Mơ, thuyền trưởng tàu Nhật Minh 09. Ảnh: Hà Anh Chiến

Buôn lậu 200 triệu lít xăng: Thuyền trưởng khai không biết hồ sơ khống

HÀ ANH CHIẾN LDO | 03/11/2022 18:01

Đồng Nai - Ngày 3.11, phiên toà xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng ở các tỉnh phía Nam tiếp tục phiên xét hỏi các thuyền viên tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09 trong việc giúp sức cho Phan Thanh Hữu buôn lậu.

Theo cáo trạng, để tham gia buôn lậu với nhóm của Đào Ngọc Viễn, đầu năm 2019, Phan Thanh Hữu đã hoán đổi tiền góp vốn tại Công ty TNHH Hà Lộc Phát tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để nhận lại 4 tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09. Sau đó, Hữu thành lập Công ty TNHH Hải Minh Nhật để đăng ký chủ sở hữu và quản lý 4 tàu Nhật Minh nêu trên. 

Phan Thanh Hữu thuê Đinh Văn Đoàn (là em kết nghĩa của Hữu, ngụ TP Vũng Tàu) làm Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh Nhật nhưng mọi hoạt động của Công ty này đều do Hữu trực tiếp chỉ đạo, điều hành. 

Hữu dùng các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 của Hữu neo đậu trên sông Hậu (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đi ra đến Nhà 1 và Nhà 2 để nhập xăng Ron 95 từ các tàu Pacific Ocean và Western Sea của Đào Ngọc Viễn vận chuyển vào nội địa để bán. 

Trong suốt quá trình giao nhận, vận chuyển xăng lậu, Hữu không cho các thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại mà chỉ có thuyền trưởng các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 được sử dụng điện thoại liên lạc với Hữu để tránh bị cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện hành vi vận chuyển xăng lậu. Hữu còn sử dụng tàu Nhật Minh 06 neo đậu cố định tại khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ để làm kho nổi chứa xăng nhập lậu. 

Tổng số tiền thu lợi bất chính của các bị can tham gia vận chuyển quản lý xăng nhập lậu cho Phan Thanh Hữu là gần 4 tỉ đồng và được Phan Thanh Hữu tự nguyện nộp thay. 

Tại phiên toà ngày 3.11, toà tiếp tục xét hỏi các bị cáo là thuyền trưởng, thuyền phó, các thuyền viên, máy trưởng, thợ máy và đầu bếp trên các tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09 để làm rõ hành vi giúp sức cho Phan Thanh Hữu trong việc vận chuyển và quản lý xăng lậu.

Các bị cáo đều khai nhận chỉ là người làm công ăn lương, được “sai gì làm nấy” và có trình độ học vấn thấp, đến khi bị bắt mới nhận thức được hành vi phạm tội.

Các bị cáo cũng khai báo rằng, có nghi ngờ việc tàu thường xuyên hoạt động vào ban đêm, nhưng khi thấy tàu vẫn hoạt động bình thường nên nghĩ rằng do lộ trình của tàu là như vậy. 

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn Nghị - thuyền viên tàu Nhật Minh 08 khai báo: Bị cáo chưa học hết lớp 5, khi làm việc trên tàu nhưng cũng không được ký HĐLĐ, không được đóng các loại bảo hiểm, và được Phan Thanh Hữu trả lương.

Tương tự, bị cáo Ngô Hữu Cường là thợ máy tàu Nhật Minh 08 cũng khai rằng trong quá trình tàu cập mạn để chuyển xăng lậu thì bị cáo vẫn trực dưới buồng máy không rời do vấn đề an toàn kỹ thuật. Việc buộc mở dây tàu tháo lắp ống bơm trong quá trình giao nhận xăng lậu là chỉ “làm giúp”.

Cũng tại phiên toà, bị cáo Trịnh Xuân Mơ, thuyền trưởng tàu Nhật Minh 09 khai rằng, bản thân không biết việc xăng nhập lậu, đối với việc cấm các thuyền viên không sử dụng điện thoại trên tàu để phòng chống cháy nổ. 

Còn về hồ sơ Phan Thanh Hữu đưa cho Mơ thì bị cáo cũng không biết là hồ sơ khống. Số tiền 20 triệu đồng mỗi chuyến mà Phan Thanh Hữu giao bị cáo là chi phí ăn uống, chưa bao giờ bồi dưỡng cơ quan chức năng - bị cáo Mơ khai tại toà.

Ngoài ra, Mơ cũng khai số dung môi và hoá chất màu vàng trên tàu, Mơ cũng không biết mục đích để làm gì, mà chỉ pha theo tỉ lệ mà Phan Thanh Hữu chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn