MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Buồng hạnh phúc”, đã giúp nam phạm nhân có thêm động lực để phấn đấu cải tạo tốt sớm trở về với cộng đồng. Ảnh: Khánh Linh

Buồng hạnh phúc sau cánh cổng trại giam Yên Hạ

Khánh Linh LDO | 15/02/2023 11:02

Căn phòng ấy, chiếc giường ấy là cầu nối cho những đôi vợ chồng đang chịu cảnh "kẻ trong song sắt, người ngoài trại giam...".

Trại giam Yên Hạ (Sơn La) những ngày đầu xuân, khi những bông hoa mận, hoa mơ bung nở trắng xóa trên đầu núi, không khí thăm gặp phạm nhân dường như cũng rộn ràng thêm. Tiếng mẹ già hỏi chuyện con trai, vợ hỏi thăm chồng, tiếng con thơ bi bô gọi bố… yêu thương sau bao ngày xa cách dường như đã xóa nhòa khoảng cách giữa tấm kính ngăn. 

Câu chuyện về “buồng hạnh phúc” cũng được các nam phạm nhân nơi đây nhắc nhiều hơn. Họ cười nói vui vẻ, tếu táo trêu nhau mỗi khi có phạm nhân trở về sau khi gặp vợ từ phía ngôi nhà hạnh phúc. Đó cũng là cách họ động viên nhau cải tạo thật tốt để được gặp lại, ôm nửa kia vào lòng.

Trung tá Đinh Văn Chấn - Trưởng Phân trại số 1, trại giam Yên Hạ - giới thiệu: “Đây là “buồng hạnh phúc”, nơi mà phạm nhân nào có vợ con cũng đều muốn được vào đây ít nhất một lần”. 

Tại đây có 6 phòng hạnh phúc, mỗi phòng có diện tích khoảng 15m2 và được trang bị một chiếc giường, kèm đệm, chăn, gối.

Chấp hành án tại trại giam Yên Hạ đến nay đã được 10 tháng vì tội vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, phải chịu án phạt 4 năm tù, với phạm nhân Hoàng Vũ Quyển (quê Nam Từ Liêm, Hà Nội), những ngày mới vào đây, anh tưởng như đã mất tất cả.

Từ một chủ doanh nghiệp với kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc là niềm mơ ước của bao người, nay lại phải chấp hành án ở nơi xa xôi, hẻo lánh miền Tây Bắc, khiến anh không khỏi chạnh lòng. 

Anh Quyển tâm sự: “Khi mới lên đây cũng có chút hụt hẫng, nhiều đêm nằm nhớ vợ và các con, nhất là những ngày lễ, Tết, không biết vợ con ở nhà sống thế nào. Dù hằng tháng vợ cũng có lên thăm, nhưng thời gian thăm gặp hạn chế nên vợ chồng cũng chỉ nói được với nhau dăm câu ba điều”. 

Được các cán bộ động viên, lại hằng ngày nghe những người bạn cùng phòng nói nhiều về “buồng hạnh phúc”, đã giúp nam phạm nhân này có thêm động lực để phấn đấu cải tạo thật tốt, mong một lần được gặp người đầu ấp tay gối của mình ở phòng riêng. 

“Thú thực trước đây tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được vào “buồng hạnh phúc”, nhưng khi được thông báo sẽ được gặp riêng vợ trong lần gặp tới, tôi vui lắm. Lần đầu tiên sau những ngày xa cách, hai vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi. 

Vợ động viên phải cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Khi trở về mình sẽ cố gắng bù đắp cho cô ấy và các con” - vừa nói, trong mắt phạm nhân Quyển ánh lên những tia hy vọng.

Còn với phạm nhân Vàng A Minh (SN 1988, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - người đã có đến gần 10 đêm giao thừa đón Tết sau song sắt, những giây phút gặp riêng vợ hiếm hoi là nguồn động lực to lớn, giúp anh thêm vững tin hơn để cố gắng cải tạo, sớm trở về hòa nhập với gia đình. 

A Minh bị tuyên án 13 năm 6 tháng tù giam về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Nhờ cải tạo và chấp hành tốt nên sau 2 lần giảm án, thời hạn chấp hành án của phạm nhân Minh còn 54 tháng tù giam.

"Ban đầu cứ nghĩ mình đi như thế này không biết ở nhà thế nào, hoang mang lắm, án lại còn dài nữa. Nhưng nhờ cán bộ động viên, mình cứ cố gắng từng tuần, từng tháng, rồi từng quý để được gặp riêng vợ” - A Minh tâm sự. 

“Từ khi triển khai việc thăm gặp tại phòng riêng đã thực hiện rất hiệu quả việc động viên tư tưởng phạm nhân. Sau khi gặp vợ con, được động viên, nhiều phạm nhân tinh thần phấn chấn lên hẳn, yên tâm cải tạo để sớm được trở về” - trung tá Đinh Văn Chấn nói. Những căn buồng hạnh phúc nhỏ bé đã thực sự là nơi đem lại hạnh phúc cho những người đang khát khao hướng thiện. Dù cơ sở vật chất đơn sơ, nhưng với họ, vậy là đủ. Đủ cho những yêu thương ngập tràn…

Trại giam Yên Hạ có 3 phân trại, đóng tại các xã trên địa bàn huyện Phù Yên, hiện đang quản lý và giam giữ trên 3.000 phạm nhân, trong đó có 200 người chấp hành án chung thân. Các phạm nhân tại đây có đến 70% là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế và có đến 80% là phạm nhân phạm tội liên quan đến ma tuý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn