MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xác nhận với Lao Động đã gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: LĐO

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng phải cần chứng cứ gì?

Quang Việt LDO | 22/09/2021 11:39

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (tên thật là Huỳnh Minh Hưng) vừa gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Đại Nam vu khống ca sĩ này ăn chặn tiền từ thiện. Liên quan đến vụ việc này, người tố cáo sẽ cần phải có những chứng cứ gì?

Theo đơn tố cáo, Đàm Vĩnh Hưng kiện bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi "vu khống", "làm nhục người khác", "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"...

Theo ông Hưng, bà Hằng đã chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của ông bằng những lời lẽ thô tục, bạo lực và lăng mạ thậm tệ. 

Đặc biệt, ông Hưng cho rằng bà Hằng đã bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật khi cáo buộc ông ăn chặn tiền từ thiện...

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, nếu một người có hành vi (bằng từ ngữ hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần của họ thì có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. 

Trong đó, tội này có quy đinh:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạt tù từ 3 tháng - 2 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;...

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạt tù từ 2 - 5 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát...

Như vậy, để tố cáo bà Hằng về tội này, người tố cáo cần cung cấp cho Cơ quan điều tra chứng cứ thể hiện hành vi của bà Hằng dùng những từ ngữ không hay để nói về những người tố cáo. Cụ thể là các video, clip từ tài khoản Facebook cá nhân của bà Hằng...  

Ngoài ra, theo luật sư Long, đối với hành vi bịa đặt và cố ý lan truyền thông tin sai sự thật của người khác lên mạng xã hội như vậy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

"Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tù từ 1 - 3 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 2 người trở lên;...

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạt tù từ 3 - 7 năm:

a) Vì động cơ đê hèn

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

Theo ông Long, khi tố cáo bà Hằng về tội danh này, người tố cáo cần cung cấp 2 loại chứng cứ như sau: thứ nhất là nội dung bà Hằng vu khống (qua clip, video,…).

Thứ hai là nội dung chứng minh những người tố cáo không ăn chặn tiền từ thiện, cấu kết mua giải,… như lời bà Hằng nói (tài liệu sao kê tài khoản ngân hàng và các bằng chứng khác thể hiện sự minh bạch trong nguồn tiền từ thiện,…).

Tương tự theo luật sư, ông Hưng cần phải có những chứng cứ để làm căn cứ cho những tố cáo khác.

"Các tài liệu chứng cứ thu thập phải đảm bảo về mặt hình thức và nội dung theo quy định pháp luật", luật sư Long cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn