MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Minh Vui đột nhập vào nhà dân để trộm cắp và đâm một người trọng thương khi bị phát hiện. Ảnh: Công an cung cấp

Cách nào an toàn, tránh vướng lao lý khi thấy trộm đột nhập vào nhà?

Quang Việt LDO | 14/02/2023 08:13

Qua nhiều vụ án hoặc trộm tấn công, hoặc chủ nhà gây án với kẻ đột nhập, chuyên gia luật cho rằng cần có cách ứng xử linh hoạt để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tránh vướng lao lý.

Cuối tháng 11.2022, Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Minh Vui (26 tuổi, trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để điều tra hành vi "Giết người".

Vui là bị can dùng dao nhọn tấn công một thanh niên ở thị xã Sơn Tây hôm 18.11.2022, khiến nạn nhân bị trọng thương.

Vụ án xảy ra khi rạng sáng hôm đó, Vui đột nhập vào căn nhà một người dân để trộm cắp tài sản. Khi trèo vào tầng 2, Vui bị anh M (cháu trai gia chủ) phát hiện nên đã lấy dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người anh M rồi tẩu thoát.

4 ngày sau khi gây án, Vui đã ra trụ sở công an đầu thú. Vụ án hiện được Công an Hà Nội thụ lý, xử lý theo thẩm quyền.

Gần đây nhất, hôm 10.2 vừa qua, do có hành vi đánh chết kẻ trộm đó, Ngô Văn Cường và Phan Văn Hải, đều ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị TAND Hà Nội tuyên phạt lần lượt các mức án 7 năm và 5 năm tù về tội "Giết người".

Vụ án khởi nguồn từ việc rạng sáng 30.12.2021, Hải phát hiện một người đàn ông có hành vi bắt trộm chó nhà Cường. Hải đã báo cho Cường biết và bàn cách bắt quả tang tên trộm.

Khi thấy người đàn ông đột nhập vào sân nhà mình để lấy hai con chó đã chết (ăn phải bả do người này ném ra trước đó), Cường vừa hô hoán, vừa cầm gậy gỗ tấn công nghi phạm.

Hải giúp sức bằng cách đóng cổng lại không cho tên trộm bỏ chạy ra ngoài. Tuy nhiên, hậu quả từ việc Cường đánh người trộm chó liên tiếp khiến ông này tử vong tại chỗ.

Hai bị cáo Cường và Hải (từ trái qua) tại phiên toà xét xử về hành vi đánh chết trộm. Ảnh: Việt Dũng

Từ hai vụ án cụ thể trên, chủ nhà cần ứng xử ra sao để bản thân được an toàn, cũng như tránh vướng lao lý?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, một đặc điểm của kẻ gian là rất sợ bị phát hiện. Khi bị phát hiện, phản xạ đầu tiên là bỏ chạy.

Nếu không bỏ chạy được thì sẽ chống trả, các đối tượng đột nhập hiện nay thường mang theo hung khí nguy hiểm. Nếu bị bắt giữ thì có thể tấn công trở lại.

Theo luật sư, xử lý tình huống với kẻ gian đột nhập phải hết sức thận trọng, trên nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác; Thu thập càng nhiều dấu vết, thông tin của đối tượng để bắt giữ hoặc để cơ quan chức năng truy xét.

Việc bắt giữ đối tượng khi tương quan lực lượng không có lợi, chủ nhà không đủ sức, không ở lợi thế thì rất có thể sẽ gặp nguy hiểm.

"Bởi vậy, kỹ năng xử lý tình huống trộm đột nhập là yếu tố sống còn để quyết định việc bắt trộm có an toàn hay không", luật sư Cường nói.

Trong trường hợp phát hiện người lạ đột nhập thì đơn giản nhất là chúng ta có thể hô hoán và giữ khoảng cách để xác định xem người đó là ai. Trong trường hợp người lạ là kẻ gian thì sẽ bỏ chạy hoặc có thể tấn công lại chúng ta.

Nếu gia chủ có sức khỏe, có lực lượng, có vũ khí có thể bắt giữ được đối tượng thì sẽ tìm cách bắt giữ, nhưng vấn đề an toàn là vấn đề đầu tiên phải đặt ra...

Bên cạnh đó, một số người không hiểu pháp luật gây thương tích hoặc gây án mạng với kẻ trộm để rồi bản thân vướng lao lý.

Theo luật sư Cường, pháp luật không cho phép công dân sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật.

Việc xử lý tội phạm, áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nghiêm cấm hành vi người dân “tự xử”, tự mình kết luận sự việc và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác dù người đó là người vi phạm pháp luật.

Nói cách khác, pháp luật không cho phép người dân được tự xử, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật phải do cơ quan có thẩm quyền và theo trình tự thủ tục luật định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn