MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hy hữu vụ người bị tai nạn được một vợ chồng tốt bụng đưa đi cấp cứu, song sau đó bị gia đình nạn nhân kiện ngược. Ảnh: LĐO

Cách trợ cứu người bị tai nạn để không bị kiện ngược lại

Quang Việt LDO | 18/07/2022 11:42
Luật sư Hà Thị Khuyên đã chỉ ra một số biện pháp khi cứu nạn nhân tai nạn giao thông, đưa đi cấp cứu, cách nào để an toàn và không bị kiện ngược

Qua vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh, người đưa nạn nhân bị tai nạn đi cấp cứu song bị kiện ngược lại, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã chia sẻ quan điểm.

Luật sư Khuyên cho biết, sự việc xảy ra tưởng chừng như rất đơn giản là “thực hiện nghĩa cử cao đẹp cứu giúp người bị tai nạn giao thông”.

Hành động này theo lẽ thông thường là hành động đẹp thể hiện tính nhân văn, đúng theo quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Nhưng đáng tiếc đằng sau việc cứu giúp người lại nảy sinh nhiều vấn đề mà luật sư cho rằng, xuất phát từ nhận thức của người dân, từ hoàn hoàn cảnh và khoảng trống của quy định pháp luật.

Pháp luật đã quy định chế tài xử lý đối với hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

Cụ thể, khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Luật sư Hà Thị Khuyên chi sẻ quan điểm về việc tránh bị kiện ngược khi cứu giúp người bị tai nạn. Ảnh: NVCC

Luật sư Khuyên cho hay, nhà làm luật lại chưa lường trước được tình huống đối với việc nếu cứu giúp người bị tai nạn mà sau đó nạn nhân chết hoặc không nhớ sự việc xảy ra, gây nên hiểu nhầm cho rằng người cứu giúp là người gây tai nạn.

Chính hạn chế tồn tại này khiến nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra nhưng nhiều người cứu giúp xong sợ bị hiểu nhầm, sợ liên đới trách nhiệm, đã bỏ công việc chi phí xe cộ đi lại để cứu giúp không nhận được lời cảm ơn còn có nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng, danh dự và rủi ro pháp lý.

Nếu không có một hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng thì rất có thể những vụ tai nạn như thế này sẽ để lại hệ lụy đáng tiếc về công tác cứu nạn về sau, để lại tâm lý e dè cho người cứu nạn, cứu hộ không chuyên nghiệp là người dân.

Qua sự việc này, luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng, khi phát hiện tai nạn mà người gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường, ở nơi có nhiều người qua lại thì người cứu giúp nạn nhân cần đánh giá sơ bộ về tính chất nghiêm trọng của vết thương của nạn nhân để có quyết định chờ gọi cứu thương hay quyết định đưa đi cấp cứu, đưa đến cơ sở y tế nào để việc chữa trị hiệu quả, sau đó chụp lại hiện trường và nhờ người dân báo lên cơ quan chức năng.

Còn nếu hiện trường tai nạn không có người qua lại, nạn nhân không còn nhận thức được hoặc đã bất tỉnh thì sau khi cứu giúp nạn nhân, người cứu nạn cần gọi điện báo ngay cho cơ quan chức năng phối hợp bảo vệ hiện trường và xem xét dấu vết để lại, việc gây hiểu nhầm chỉ xảy ra đối với người dân với nhau.

Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì việc làm sáng tỏ người cứu giúp và người gây tai nạn không hề khó khăn. Vì vậy, khi thực hiện việc cứu nạn, người dân cần có những cách ứng xử linh hoạt, phù hợp, tránh hoang mang, lo lắng.

Đối với người thân thích của người bị tai nạn cần bình tĩnh, lắng nghe thông tin từ nhiều phía và thực hiện quyền tố giác, tố cáo, khiếu nại, khởi kiện nếu thấy sự việc không rõ ràng, tránh sự việc đáng tiếc hiểu nhầm xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn