MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách ứng xử khi bỗng nhiên tiền đổ về tài khoản ngân hàng của mình

Việt Dũng LDO | 05/06/2021 12:00
Để tránh bỗng dưng thành "con nợ", hay phải đối diện với việc bị pháp luật xử lý khi tài khoản ngân hàng của mình có tiền đổ về, luật sư đã "mách" cách ứng xử.

Vừa qua, một phụ nữ ở TPHCM bỗng nhiên nhận được 36 triệu đồng đổ về tài khoản ngân hàng với nội dung "cho vay". Sau đó, chị này nhận được điện thoại của người lạ, nói rằng mình chuyển nhầm và yêu cầu chuyển trả lại tiền.

Khi chuyển lại tiền cho người này, một vài ngày sau, chị nhận được điện thoại của đối tượng lạ, đòi tiền với lãi cắt cổ...

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là một hình thức lừa đảo tinh vi. Người dân nêu cao cảnh giác, hạn chế tình trạng bỗng nhiên trở thành nạn nhân của một món nợ với lãi suất "cắt cổ".

Theo ông Long, nếu gặp trường hợp như vậy thì người dân nên có cách ứng xử thông minh, đúng pháp luật. Cụ thể, cần yêu cầu đối tượng kia cung cấp giấy tờ hay bằng chứng chứng minh mình là chủ tài khoản chuyển nhầm tiền...

Mặt khác, người dân cần liên hệ ngân hàng, truy xuất tài khoản chuyển nhầm tiền để ngân hàng chuyển lại số tiền này cho chủ tài khoản.

"Không nên vội vàng chuyển tiền lại ngay cho đối tượng yêu cầu mà phải liên hệ ngân hàng để xử lý", luật sư Long khuyến cáo.

Ở một góc độ khác, liên quan đến việc bỗng nhận được tiền chuyển về tài khoản của mình, song chủ tài khoản không trả lại, thậm chí lại còn có những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực dẫn đến tranh chấp, mẫu thuẫn xảy ra.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), có thể tình huống này do những người đó vì lòng tham hoặc thiếu hiểu biết mà khi nhận được tiền của người khác đã không trả lại.

Bởi vậy, trường hợp tài khoản có tiền nhưng số tiền đó người chủ tài khoản không được phép sử dụng thì có trách nhiệm phải trả lại số tiền không phải của mình cho người đã chuyển nhầm.

Trường hợp người chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác thì có quyền yêu cầu người đã nhận số tiền đó và ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ để buộc người đã nhận tiền phải trả lại tiền cho người chuyển nhầm.

Nếu người nhận tiền của người khác do chuyển nhầm nhưng cố tình không trả lại thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định của Bộ luật hình sự, cụ thể như sau

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, trong trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên mà người chuyển nhầm đã thông báo yêu cầu trả lại số tiền đó nhưng người có tài khoản cố tình không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên với mức phạt tù có thể đến hai năm tù. Trường hợp trị giá tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì hình phạt có thể lên đến 5 năm tù.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn