MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Phan Quốc Việt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh: VGP

Cách Việt Á thâu tóm và tự đánh bóng kit test xét nghiệm

Việt Dũng LDO | 21/08/2023 17:09

Phan Quốc Việt sau khi biến đề tài test xét nghiệm của Nhà nước thành của Công ty Việt Á, còn được quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ quảng cáo rầm rộ, đánh bóng với thành quả “Bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO công nhận”.

Thâu tóm đề tài sở hữu Nhà nước

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) trong bản kết luận đã đề nghị truy tố Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á với hai tội danh: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Trong 37 người bị đề nghị truy tố còn có 3 nguyên Uỷ viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tội "Nhận hối lộ" hơn 2 triệu USD; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị cáo buộc gây thất thoát gần 19 tỉ đồng; cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhận 4 tỉ đồng...

Theo kết luận, đầu năm 2020, COVID-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) giao đơn vị mình phát triển kit test xét nghiệm. Đề tài khi đó đang được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện) nghiên cứu.

Theo cáo buộc, ngay từ lúc này, Việt đã "có mục đích" để Việt Á được cùng tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test với tham vọng "chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm từ thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm của riêng", từ đó sản xuất, tiêu thụ kiếm lời. Để thực hiện, Việt thông đồng với bị can Trịnh Thanh Hùng - cựu Vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, do có quan hệ thân thiết từ trước.

Theo yêu cầu của ông Hùng, ngày 31.1.2020, Học viện Quân y đề xuất Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo kit test. Ông Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ chế tạo 20.000 kit test xét nghiệm cho Việt Á.

Cơ quan điều tra xác định, mục đích của đề xuất gộp nhằm giúp Việt Á được thực hiện cả đề tài, vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất.

Đề xuất của ông Hùng được chấp thuận, kinh phí thực hiện đề tài gần 19 tỉ đồng, trích ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương.

Cơ quan điều tra quy kết, Việt đã thông đồng với Vụ phó Hùng nhằm "biến kết quả đề tài thành tài sản riêng của Việt Á".

Sau quy trình nghiên cứu test thành công, ông Hùng bị cáo buộc tác động để Học viện Quân y có văn bản nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 của đề tài.

Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia sau đó nghiệm thu giai đoạn 1 và đề nghị Bộ Y tế cấp phép, không nêu đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á, song Chủ tịch Việt Á vẫn sử dụng biên bản nghiệm thu này để lập hồ sơ đề nghị, và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit test xét nghiệm cho Việt Á không đúng đối tượng (Công ty Việt Á không phải chủ sở hữu đề tài) và trái quy định...

Đánh bóng giá trị kit test xét nghiệm

Sau khi Bộ Y tế có Quyết định cấp số đăng ký tạm thời kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Phạm Công Tạc - khi đó là Thứ trưởng Bộ này đã chỉ đạo để Bộ tổ chức họp báo ngày 5.3.2020 công bố kết quả nghiên cứu đề tài và ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit test xét nghiệm và năng lực sản xuất test xét nghiệm của Việt Á.

Sau đó, Chu Ngọc Anh chỉ đạo Trịnh Thanh Hùng tham mưu, phối hợp với Vụ Thi đua và Khen thưởng hoàn thiện thủ tục để bị can ký Quyết định số tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt, các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Công ty Việt Á về thành tích trong nghiên cứu, chế tạo thành công test xét nghiệm.

Đồng thời, Chu Ngọc Anh chỉ đạo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký văn bản đề nghị để UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho Công ty Việt Á về thành tích trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng kit test xét nghiệm.

Trong quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit test xét nghiệm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền sản phẩm kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Đồng thời, để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được xuất khẩu ra nước ngoài, Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc và cùng Phan Quốc Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới - WHO chứng nhận sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Mặc dù WHO chưa cấp chứng nhận test xét nghiệm đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ và đăng bài báo thể hiện thông tin sai sự thật “Sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận”.

Theo đó, nhiều bài báo được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có nội dung ca ngợi, tôn vinh thành quả nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á như: “Bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO công nhận”; “WHO công nhận bộ test xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam đạt chuẩn quốc tể”; “Ưu điểm vượt trội của test xét nghiệm SARS-Cov-2 Việt Nam”...

"Việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền nêu trên góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu test xét nghiệm và Công ty Việt Á", kết luận nêu.

Cùng với sự giúp đỡ của các cựu quan chức khác, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá kit xét nghiệm từ khoảng 143.000 đồng lên 470.000 đồng, từ đó bán cho các địa phương, hưởng lợi số tiền lớn.

Theo cáo buộc, năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu test, tiêu thụ 8,3 triệu test theo đơn giá 470.000 đồng, tức gấp hơn 3 lần giá sản xuất. Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng hơn 2.250 tỉ đồng. Số tiền Việt Á hưởng lợi trái phép được xác định gần 1.236 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn