MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Thiện và đối tượng Nguyễn Thị Vân.

Cài ma túy đẩy bạn trai vào tù: Tuyệt chiêu để tự cứu mình

Cường Ngô LDO | 11/04/2019 14:30

Theo chuyên gia pháp lý, thông thường, người bị vu khống, tâm lý rất bực bội, nghĩ rằng "cả thế giới đang chống lại mình", có thái độ thù địch với người làm công tác điều tra. Điều này hết sức tránh, bởi sẽ gây bất lợi trong quá trình điều tra, phá án.

Liên quan vụ việc, anh Nguyễn Văn Thiện (44 tuổi, ngụ tại quận Tây Hồ, Hà Nội) bị bạn gái là Nguyễn Thị Vân (37 tuổi, ngụ tại quận Tây Hồ) đưa ma túy vào ôtô, để "tống" người yêu vào tù, nhiều người đặt câu hỏi, trong trường hợp bị hãm hại như vậy, có cách nào để chứng minh mình trong sạch?

Về việc này, trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty  luật TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, vụ việc anh Thiện bị người yêu gài ma túy rất hy hữu, nhưng không thể khẳng định, trong tương lai không có ai rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi đó, người bị hãm hại phải tìm cách ứng phó với tình huống nhạy cảm này.

Thứ nhất, không đứng gần, không chạm tay, chân, tác động cơ thể vào tang vật. Bởi, rất có thể, dấu vân tay, tóc dính vào tang vật, sẽ thêm bằng chứng chống lại mình.

Thông thường, người bị vu khống, tâm lý rất bực bội, nghĩ rằng "cả thế giới đang chống lại mình", có thái độ thù địch với người làm công tác điều tra. Điều này hết sức tránh.

Bởi, khi chúng ta nóng nảy, giận dữ, không hợp tác, cơ quan công an không có điều kiện để chứng minh ta vô tội. Cho nên, phải cố gắng giữ thái độ ôn hòa, bình tĩnh và quyết đoán. 

Bị hại Nguyễn Văn Thiện tại tòa.

"Mình không vi phạm pháp luật, không tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy, nên phải bình tĩnh, tự cứu mình, phải hợp tác với cơ quan điều tra, khai đầy đủ, trung thực sự việc.

Với một người ngay thẳng, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, công việc ổn định, rõ ràng, cơ quan điều tra cũng sẽ kiên nhẫn tìm hiểu, xác minh theo đúng trình tự pháp luật, chưa vội khép tội", luật sư Tú nói.

Một điều nữa, người bị hãm hại phải yêu cầu có ngay luật sư. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cho phép luật sư có mặt trong mọi giai đoạn tố tụng, kể cả ngoài tố tụng cũng được quyền có luật sư, để phối hợp giải quyết sự việc.

Trong quá trình lấy lời khai, người bị hãm hại phải kiên định, không được mềm lòng, thỏa hiệp.

"Khi bị vu khống, nhiều người tuyệt vọng cho rằng, với chứng cứ "rõ một một" như vậy có chối cãi cũng không được, tội lại nặng thêm, nên nhận đại cho xong, để được giảm nhẹ, được khoan hồng. Tâm lý này tuyệt đối phải triệt tiêu. Chúng ta phải tin rằng, công lý, công bằng đang ở quanh ta", luật sư cho hay.

Bị cáo Nguyễn Thị Vân.

Cũng theo luật sư, trong quá trình ghi lời khai, người bị vu khống phải bình tĩnh đọc hiểu, không hiểu đề nghị điều tra viên giải thích. Đọc xong, thấy chi tiết nào không giống với ý chí chủ quan của mình, đề nghị sửa, hoặc có ý kiến vào đó.

Nam luật sư cho hay, trường hợp anh Nguyễn Văn Thiện, mặc dù vẫn còn một vài điểm băn khoăn trong quá trình điều tra, nhưng anh đánh giá rất cao sự dũng cảm của cơ quan điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm.

Rõ ràng, cơ quan chức năng đã bắt quả tang trong xe có ma túy, chứng cứ bằng xương bằng thịt như vậy, nhưng sau 8 ngày, họ quyết định trả tự do cho anh. Đó là quyết định dũng cảm. Nếu người làm công tác điều tra không dũng cảm, không quyết đoán, rất có thể đã có oan sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn