MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cấp căn cước công dân gắn chip tại điểm lưu động. Ảnh: Quang Việt

Căn cứ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Việt Dũng LDO | 18/04/2023 08:19

Trong dự thảo Luật Căn cước có nêu việc người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam cũng có thể được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Điều 2 Dự thảo Luật Căn cước đề xuất đối tượng áp dụng gồm: Công dân Việt Nam; Người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc xác định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là điểm nổi bật trong dự thảo. Bởi theo quy định hiện hành (Luật Căn cước công dân 2014), đối tượng áp dụng chỉ gồm: Công dân Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Điều 7 đã quy định cụ thể người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm:

Người từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;

Con, cháu của người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp số định danh của người gốc Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Về giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước, Dự thảo nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra;

Được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết việc cấp số định danh của người gốc Việt Nam, cấp giấy chứng nhận căn cước, thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và việc quản lý người gốc Việt Nam.

Lý giải về vấn đề trên, Bộ Công an cho rằng, Luật Quốc tịch Việt Nam không có khái niệm về "người chưa xác định được quốc tịch".

Nhưng hiện nay ở nước ta có hàng chục nghìn người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân.

Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung một điều trong dự thảo Luật Căn cước về quản lý người gốc Việt Nam. Điều này là cần thiết và không trái quy định hiện hành.

Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch gồm: Người từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; hoặc con ruột, cháu ruột của những người này.

Người gốc Việt Nam được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam và giấy chứng nhận căn cước. Đây sẽ là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Vậy căn cứ nào để cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam?

Về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thông tin, Dự thảo Luật quy định việc thu thập, xác thực thông tin về người gốc Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ được giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Bộ Công an dự kiến quy định quy trình về thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin về người gốc Việt Nam rất chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, hạn chế tối đa sai sót, nhầm lẫn, giả mạo và bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam.

Theo đó, Cơ quan Công an có kiểm tra, xác minh qua chính quyền địa phương, phối hợp với cơ quan tư pháp - hộ tịch, ngoại giao, xuất nhập cảnh, truy nguyên nguồn gốc, quê quán, thông qua người thân thích, người liên quan, kiểm tra, đối sánh thông tin sinh trắc học, qua hồ sơ quản lí đối tượng vi phạm pháp luật…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn