MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội huyện Hoài Đức, Hà Nội làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: V.D

Căn cước công dân thay thế bằng lái, bảo hiểm y tế khi nào?

Việt Dũng LDO | 08/01/2022 12:28
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, trong đó có việc tích hợp bằng lái xe, bảo hiểm... vào căn cước công dân.

Ngày 7.1, Bộ Công an thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt đề án trên. Đề án nhằm phục vụ các nhóm tiện ích như giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư...

Trong những mục tiêu đặt ra, căn cước công dân gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, chỉ cần sử dụng căn cước công dân, ứng dụng VNEID, trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, đề án đặt mục tiêu tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng như: Ví điện tử, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNEID, mã QR trên căn cước công dân.

Đề án hướng đến năm 2022 sẽ bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu trên ứng dụng VNEID hoặc qua căn cước công dân như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe; từng bước thay thế các giấy tờ khi giao dịch hành chính về dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Ngoài những nội dung trên, đề án nêu mục tiêu hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu thuế trong quý I/2022 để xác thực thông tin về người nộp thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để triển khai đề án trên, Tổ công tác được thành lập do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó, ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an làm Tổ phó thường trực.

Thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, thượng tá Tô Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an là thành viên - thư ký Tổ công tác.

Tổ công tác có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Đề án. Định kỳ hàng tháng, Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

Tổ công tác sử dụng bộ máy giúp việc là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ và được huy động chuyên gia trong nước, quốc tế để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, trong năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, đơn vị đã thu nhận trên 58 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân. Trong đó, hơn 50 triệu thẻ đã in hoàn chỉnh để trả cho người dân.

Trong những tiện ích đã được tích hợp, căn cước công dân  gắn chip sẽ được sử dụng khi khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm tại các điểm công cộng với nhiều hình thức khác nhau như: Quét mã tờ khai, checkpoint…

Bộ Công an đánh giá đây là tiện ích hiệu quả, chính xác, tiết kiệm. Về việc tích hợp giấy phép lái xe lên thẻ gắn chip, giải pháp đã hoàn thiện và sẵn sàng triển khai. Ngoài ra, C06 cũng tích hợp nhiều thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip nhằm phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Sau khi hoàn thiện, người dân không cần mang theo nhiều giấy tờ, tránh việc bị lực lượng kiểm soát gây phiền hà, sách nhiễu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn