MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp thẩm định Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: Bộ Tư pháp

Cần linh hoạt điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư công

TRÍ MINH LDO | 11/09/2024 14:41

Ngày 11.9, Bộ Tư pháp cho biết vừa tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số hạn chế vướng mắc.

Việc sửa đổi luật là cần thiết để luật hóa các quy định, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hóa một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện Luật Đầu tư công mới chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mà không quy định về các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời không có quy định về dừng chủ trương đầu tư như thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các trường hợp dừng…

Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm quy định về các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp làm thay đổi quy mô nhóm dự án; bổ sung quy định về dừng chủ trương đầu tư làm cơ sở cho việc điều chỉnh dự án.

Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu ý kiến. Ảnh: Bộ Tư pháp

Liên quan đến đầu tư dự án ODA, hiện dự thảo Luật vẫn quy định chủ trương đầu tư gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước. Các nội dung liên quan đến đánh giá về đảm bảo an toàn nợ công, đánh giá khoản vay cũng sẽ ghép vào bước chủ trương đầu tư.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Luật Đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong thủ tục hành chính, thẩm định dự án đầu tư…; nghiên cứu việc vay lại theo cơ chế dân sự; thể chế hóa đầy đủ các khái niệm đầu tư; trong đó lưu ý các quy định liên quan đến kế hoạch đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn