MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lô hàng ngà voi nhập lậu từ Châu Phi được cho là lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: Đại An

Cần sớm bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ sản phẩm, động vật hoang dã

Thùy Linh (thực hiện) LDO | 24/03/2023 08:50
Cục Hải quan Hải Phòng vừa phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép 7 tấn ngà voi. Thêm một lần nữa, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã qua đường hàng hải lại được báo động.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) - ông Nguyễn Văn Trí Tín - Quản lý Chương trình Bảo tồn các Loài Hoang dã - về vấn đề này.

Tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa

Ông nhận định như thế nào về việc cơ quan chức năng bắt 7 tấn ngà voi vào Việt Nam tại Hải Phòng ngày 20.3 vừa qua?

- Trong hai tháng vừa qua, riêng tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng, lực lượng Hải quan đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển khối lượng lớn ngà voi bất hợp pháp. Cùng với nhiều vụ việc trước đó, sự việc bắt giữ 7 tấn ngà voi tại Hải Phòng lần này cho thấy, việc buôn bán bất hợp pháp những sản phẩm từ các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là ngà voi vẫn diễn ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hầu hết hoạt động kinh tế xã hội trên toàn cầu.

Việt Nam được cho là nơi trung chuyển ngà voi lớn nhất thế giới và cũng tiêu thụ ngà voi nhiều hơn kể từ năm 2016. Lệnh cấm buôn bán ngà voi ở Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1.2018, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ ngà voi chính trên toàn cầu khi nhu cầu sử dụng ngà voi đã trở thành niềm tin trong một bộ phận người tiêu dùng và nghề điêu khắc ngà voi có truyền thống từ nhiều thế kỷ.

7 tấn ngà voi là một lượng rất lớn, có thể đến từ hàng trăm cá thể voi Châu Phi đã bị giết để lấy ngà. Buôn bán ngà voi bất hợp pháp là nguyên nhân chính khiến quần thể voi Châu Phi bị suy giảm nghiêm trọng và đẩy loài voi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo chúng tôi, Việt Nam sẽ không phải là nước tiêu thụ cuối cùng của tất cả số ngà voi này mà nhiều khả năng sẽ trung chuyển sang các quốc gia khác.

Ông đánh giá như thế nào về vấn nạn giết hại, buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay? 

- Ở Việt Nam, hoạt động buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp cho dù Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật bảo vệ động vật hoang dã khá đầy đủ và nghiêm khắc.

Việc thổi phồng giá trị của các sản phẩm từ động vật hoang dã của tội phạm buôn bán đã càng làm tăng nhu cầu của những người tiêu dùng thiếu kiến thức về giá trị thật của sản phẩm cũng như ảnh hưởng của việc tiêu thụ các sản phẩm này đối với sức khỏe cộng đồng, tình trạng suy giảm và tuyệt chủng loài voi.

Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với các nước xung quanh bao gồm cả đường biển và đường bộ, Việt Nam trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong các tuyến đường buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia và xuyên lục địa. Do vậy, việc ngăn chặn hành vi buôn bán bất hợp pháp xuyên biên giới là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên và sự phối hợp hiệu quả với các nước trong khu vực.

Tình trạng buôn bán vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã trái phép qua đường cảng biển đang rất đáng báo động. Trong giai đoạn từ 2017 đến nay, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 160 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động thực vật hoang dã qua biên giới, trong đó những vụ phát hiện lớn chủ yếu qua đường cảng biển.

Cần quyết liệt truy tìm, bắt giữ những đối tượng cầm đầu

Việt Nam cần có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông? 

- Để kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển và nhập lậu trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam, Chính phủ cần đưa ra các hành động quyết liệt và kịp thời như thúc đẩy vai trò của các cơ quan ngoại giao trong trao đổi thông tin; ký kết các hiệp ước tương trợ tư pháp với các quốc gia khác để điều tra; truy vết tội phạm động vật hoang dã quốc tế, bắt giữ và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp xuyên quốc gia với khối lượng lớn tại khu vực cảng biển để phá vỡ thế bị động và gánh nặng xử lý khối lượng lớn các sản phẩm thu giữ vốn sẽ tạo nên áp lực không nhỏ cho Chính phủ.

Cần sớm bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm đảm bảo tuân thủ Điều 7 - Luật Đa dạng sinh học 2018.

Ngoài ra, để đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả, lực lượng thực thi pháp luật cần phải được trang bị đầy đủ năng lực và phương tiện, điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc. Và quan trọng nhất là nhiệm vụ kiểm soát các vi phạm về động vật hoang dã cần phải được ưu tiên trong kế hoạch công tác của lực lượng Cảnh sát Môi trường và Hải quan.

Cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng này ở cấp Trung ương và địa phương cũng cần được thiết lập và thực hiện; đồng thời có sự phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông, báo chí để tăng hiệu quả thực thi.

Bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tác động đến hành vi của người dân nhằm giảm cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, từ đó góp phần bảo vệ các loài động vật nguy cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn