MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng giả mạo cơ quan Bảo hiểm xã hội nhắn tin cho người lao động nhằm trục lợi. Ảnh: L.T

Cẩn trọng với chiêu dụ bán sổ bảo hiểm để lừa đảo

Lam Sơn LDO | 05/03/2020 10:09
Thời gian gần đây, các tỉnh, thành phía nam xuất hiện một số đối tượng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo dụ dỗ người lao động (NLĐ) bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Sau đó, các đối tượng lập email, nhắn tin giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) gửi cho NLĐ (mục đích không phải để mua sổ BHXH) để yêu cầu chuyển tiền “tạm ứng” trước từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng rồi lẩn trốn. Đã có nhiều người mắc bẫy, do đó, NLĐ cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn mới này…

Giả mạo cơ quan BHXH để lừa đảo

Chị Nguyễn A.M (ngụ tỉnh Đồng Nai) là trường hợp mới nhất vừa dính bẫy với thủ đoạn này. Theo chị Nguyễn A.M, sau khi nghỉ việc tại Công ty (Cty) TNHH Terumo BCT Việt Nam (KCN Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai), chị được cơ quan BHXH và Cty chốt, trả sổ BHXH.

Cách đây ít hôm vì lý do gia định, chị lên mạng để tìm thông tin bán sổ BHXH. Sau đó, chị được một đối tượng trên Facbook là Nguyễn Hoàng Hùng mời chào mua sổ BHXH giá cao. Đối tượng yêu cầu chị Nguyễn A.M chụp sổ BHXH, chứng minh, số điện thoại… gửi cho đối tượng. Ngay sau khi nhận được thông tin, đối tượng Hùng đã dùng email baohiemxahoi1lan@yahoo.com (với mục đích cho giống cơ quan BHXH) cùng nội dung tin nhắn giả mạo từ hệ thống chấp nhận thanh toán BHXH, BH thất nghiệp 1 lần cho người tham gia gửi chị Nguyễn A.M.

Nội dung: “BHXH có nhận được đơn rút tiền BHXH và BH thất nghiệp theo nguyện vọng của N.A.M. BHXH xác thực số tài khoản ngân hàng và số tiền theo nguyện vọng. Chủ tài khoản N.A.M tổng số tiền được thống kê trên hệ thống số tiền rút BHXH 33.330.000 (Ba mươi ba triệu ba trăm ba mươi nghìn đồng chẵn). Số tiền BHTN 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm nghìn đồng chẵn). Tổng cả 2 số tiền 46.530.000 (Bốn mươi sáu triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng chẵn). Số tiền sẽ được chuyển vào số tài khoản trên nếu như bà xác thực đồng ý. Lưu ý, vì số tiền của bà nhận qua tài khoản nên bà cần thanh toán phí hồ sơ để bên làm hồ sơ báo cáo cho BHXH, trong 1h số tiền sẽ kích hoạt…”. 

Khoản phí mà đối tượng Hùng yêu cầu là 500.000 đồng. Nhận được thông tin, chị N.A.M cho rằng là của cơ quan BHXH nên đã tức tốc đèo 2 con nhỏ ra trụ ATM chuyển số tiền 500.000 đồng vào tài khoản của Nguyễn Hoàng Hùng. Xong xuôi, chị gọi điện cho Hùng để xác nhận, đồng thời hẹn bàn giao sổ BHXH và làm thủ tục nhận… “chế độ” thì số điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Đối tượng chặn luôn tin nhắn của chị?

Sau nhiều ngày, biết mình bị lừa, chị N.A.M chia sẻ: “Tôi thấy rất nhiều trường hợp cũng mong muốn rút BHXH, BHTN 1 lần giống tôi. Qua sơ xuất của mình, tôi xin cảnh báo mọi người”.

Một trường hợp NLĐ khác tại TPHCM còn “đau” hơn là bị lừa số tiền đến 2 triệu đồng, trong 2 lần. Đó là anh Trần Mạnh T (quê Cà Mau), từng làm công nhân quận Bình Tân. Nghỉ việc chừng 6 tháng, anh T nghe bạn bè “tư vấn” bây giờ trên mạng người ta mua sổ BHXH nhiều lắm, nào là thuận tiện, khỏi đi làm thủ tục ở cơ quan BHXH mất công… Anh T bèn lên Facebook gõ cụm từ “mua sổ BHXH” thì hàng loạt thông tin hiện ra. Lần mò mãi, anh cũng chủ động liên hệ với một người tên Thành.

Sau khi gửi toàn bộ thông tin về sổ BHXH và nhân thân cho đối tượng Thành, anh cũng nhận được email tính toán số tiền “chế độ” được hưởng hơn 30 triệu đồng. Đối tượng Thành lập tức gọi điện xác nhận và yêu cầu anh chuyển 2 lần, mỗi lần 1 triệu đồng “phí giao dịch với cơ quan BHXH”. Không chút nghi ngờ, anh T làm theo, nhưng chờ mãi không thấy Thành liên hệ để trả “chế độ” như đã nói. 3 ngày sau, anh gọi điện thì máy ngoài vùng phủ sóng, nhắn tin không được.

Cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa

Theo ông Phạm Nguyên Long - Giám đốc BHXH quận Tân Phú, TPHCM, những tin đồn như trên là hoàn toàn không chính xác. Hiện nay, Luật BHXH và các nghị định, thông tư quy định rất rõ về vấn đề này. NLĐ nên đến cơ quan BHXH để tìm hiểu, có thông tin chính xác nhất nếu có băn khoăn, thắc mắc liên quan đến quyền lợi về sổ BHXH.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Giang Nam (TPHCM) phân tích, NLĐ bán sổ BHXH theo kiểu “bán lúa non” đã là không nên, vừa thiệt thòi lại tiềm ẩn rủi ro. Nếu vì lý do quá đặc biệt, quá khó khăn không còn con đường nào khác thì nên trực tiếp đến cơ quan BHXH cấp quận, huyện nơi cư trú để hỏi. Hiện, cơ quan BHXH nào cũng có bộ phận giải đáp thắc mắc, tư vấn cho NLĐ cặn kẽ, tin cậy.

Về trường hợp chị N.A.M, luật sư Nam cho rằng, NLĐ nếu đọc kỹ hoặc tinh ý thì rất dễ nhận ra hành vi lừa đảo. Đó là email thông tin của đối tượng với hàng loạt lỗi chính tả, câu cú thì lủng củng, chữ in thường in hoa sai tùm lum. Ví dụ “n.A.M; Chũ tài khoản; hồ sơ bao cao cho BHXH…”. Nếu là của cơ quan BHXH đích thực, rất khó xảy ra lỗi này.  

Về hành vi lừa mua sổ BHXH để lấy tiền của NLĐ, luật sư Nam nói rằng, đã có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn