MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Điện Biên tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Văn Thành Chương

Căng mình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao dịp Tết Nguyên đán

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 09/02/2024 21:19

Dù là đơn vị mới được thành lập nhưng Phòng PA05 (Công an tỉnh Điện Biên) luôn trong tình trạng bận rộn vì thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán.

Xuyên Tết đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Mặc dù đang là những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thế nhưng các cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an tỉnh Điện Biên) vẫn luôn trực bên màn hình máy tính để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Những dịp như thế này lại là cơ hội vàng để kẻ xấu diễn bài tặng quà tri ân cuối năm, kiều bào gửi tiền về quê hương... qua đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.

Nguy hiểm hơn, chúng còn sử dụng không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên - dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, người dân còn lạc hậu về công nghệ thông tin, nhưng những năm gần đây lại xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức giao dịch không gian mạng.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng PA05, Công an tỉnh Điện Biên luôn nâng cao trình độ để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm trên không gian mạng. Ảnh: Văn Thành Chương

Đơn cử như trường hợp của chị N.T.T liên tục bị các đối tượng lạ nhắn tin gọi điện làm phiền. Thậm chí, chúng còn nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người thân của chị với mục đích muốn chị T phải trả cho chúng một số tiền mà chúng cho rằng người thân của chị đã vay.

Khi chị T liên hệ với người thân thì được biết người này có làm hồ sơ vay qua mạng 7 triệu đồng nhưng không được giải ngân. Tuy nhiên, sau đó đã phải trả tiền cho chúng nhiều lần với tổng số tiền lên đến hơn 70 triệu đồng vì liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa. Thậm chí chúng còn nhắn tin cho bạn bè, người thân và đăng tải trên nhiều hội nhóm để bôi nhọ và gây áp lực...

Còn trường hợp của chị B.T.B (trú tại TP Điện Biên Phủ) thì bị các đối tượng lạ gọi điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo là thông tin tài khoản ngân hàng của chị liên quan đến hoạt động của một đường dây mua bán người.

Chúng đã yêu cầu chị B phải chuyển một số tiền theo vào số tài khoản chúng cung cấp nếu không thì sẽ bị cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt. Do quá lo sợ, chị B đã đi rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để gửi. Tuy nhiên sau đó, chị B đã may mắn được người nhà phát hiện và kịp thời ngăn chặn.

Với kịch bản tương tự, các đối tượng lừa đảo đã khiến bà N.T.L (trú tại TP ĐBP) rút hết khoản tiền tiết kiệm và chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp...

Thượng tá Nguyễn Trọng Triệu - Phó trưởng Phòng PA05 (thứ 2, bên trái) phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Văn Thành Chương

An ninh mạng phải đi trước một bước

Chia sẻ với Lao Động, Thượng tá Nguyễn Trọng Triệu - Phó trưởng Phòng PA05, Công an tỉnh Điện Biên - cho biết, mặc dù đơn vị chỉ mới được thành lập chưa đầy 2 năm (20.2.2022) thế nhưng cán bộ chiến sĩ luôn phải căng mình nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao.

Theo Thượng tá Triệu, ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo còn công khai đăng thông tin cho vay lên các hội nhóm trên mạng xã hội hoặc thông qua một số ứng dụng (app).

Chúng thường đưa ra thủ tục vay tiền đơn giản là chỉ cần chụp ảnh, căn cước công dân, cung cấp tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người thân hoặc tải và cài đặt các app vay tiền do chúng cung cấp.

Khi người vay không có tiền trả nợ khi đến hạn, thậm chí chưa được giải ngân nhưng chúng vẫn gây áp lực đối với người thân của "con nợ" để buộc phải trả tiền...

Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm trên không gian mạng. Ảnh: Văn Thành Chương

"Để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, PA05 luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ chiến sĩ luôn phải tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi để đi trước một bước trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm" -- Thượng tá Nguyễn Trọng Triệu cho hay.

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Triệu, do Điện Biên là một tỉnh miền núi nên hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số thì cả tin, thiếu cảnh giác, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao. Vì vậy vẫn còn nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí lôi kéo, kích động.

Để công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao có hiệu quả thì bên cạnh lực lượng công an cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và các địa phương. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.

"Trước những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm trên không gian mạng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng cần thông báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ và bảo vệ" - Thượng tá Nguyễn Trọng Triệu đưa ra khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn