MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tài xế taxi bị giết để cướp tài sản ở Mỹ Đình, Hà Nội ngày 29.1.2019. Ảnh: PV

Cảnh báo một số thủ đoạn của tội phạm cướp tài sản

H.Nguyên LDO | 22/08/2019 09:17
Ngày 22.8, Công an Thành phố Hà Nội (CAHN) cho biết, tình hình phạm pháp hình sự được kiềm chế, kéo giảm nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tội phạm cướp tài sản. Công an TP Hà Nội cảnh báo trong mọi trường hợp, khi nhận thấy các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn chuẩn bị thực hiện tội phạm cướp tài sản, người dân cần nhanh chóng phản ánh đến lực lượng Công an nơi gần nhất...

Đối tượng gây án chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Công an Hà Nội, qua điều tra, khám phá các vụ án cướp đã xảy ra, cơ quan điều tra nhận thấy phần lớn các đối tượng gây án đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng (có thời gian thăm dò, theo dõi, lựa chọn thời điểm, mục tiêu thuận lợi; chuẩn bị kỹ các công cụ, phương tiện; có sự bàn bạc, lên kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm giữa các đối tượng trong quá trình thực hiện tội phạm…), lợi dụng triệt để những sơ hở, mất cảnh giác của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội. 

Thủ đoạn gây án của tội phạm cướp tài sản thường diễn ra qua 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn gây án và giai đoạn sau khi gây án; trong đó, điểm mấu chốt quyết định tội phạm cướp tài sản có xảy ra hay không nằm ở phương thức thủ đoạn tiếp cận mục tiêu tấn công, sau đó khống chế và chiếm đoạt tài sản.

Đối với những vụ cướp xảy ra trong nhà

Đối tượng phạm tội lợi dụng cửa mở sẵn, bất ngờ đột nhập công khai sau đó dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác để khống chế, chiếm đoạt tài sản.

Hoặc đối tượng chủ động tạo ra những lý do hợp lý để đột nhập vào nhà, như: Giả danh, hóa trang thành nhân viên kiểm tra điện nước, truyền hình cáp, nhân viên phục vụ phòng… để chủ nhà/người có trách nhiệm quản lý tài sản mất cảnh giác, sau đó bất ngờ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác để khống chế, chiếm đoạt tài sản.

Trên các tuyến đường giao thông

Đối tượng phục sẵn tại các đoạn đường vắng, ít người qua lại (chủ yếu là ban đêm) khi phát hiện “mục tiêu” thì đuổi theo khống chế, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng cũng có thể đóng giả là khách thuê xe ôm, thuê xe taxi… để điều nạn nhân đến địa điểm thuận lợi sau đó thực hiện hành vi cướp tài sản. Điển hình mới đây nhất là vụ đối tượng N.C.A “cứa cổ” lái xe taxi để cướp tài sản tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội ngày 29.1.2019…

Ngoài ra, các đối tượng cũng sử dụng một số phương thức, thủ đoạn cướp tài sản thông qua các dịch vụ của mạng internet, mạng xã hội và mạng viễn thông.

Trước những phương thức, thủ đoạn phạm tội nói trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội và sẵn sàng ứng phó trong từng trường hợp cụ thể. 

Đối với chủ nhà, chủ cửa hàng, người đứng đầu các chi nhánh ngân hàng, công ty, điểm thu phí... phải lắp đặt và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống an ninh như: khóa, camera, mắt thần gắn cửa; đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều có số điện thoại của cơ quan Công an, Tổ trưởng tổ dân phố nơi sinh sống và lực lượng bảo vệ, hoặc an ninh, bảo vệ các khu chung cư...

Không nên mang trong người, hoặc đeo trên người quá nhiều tài sản và không để tài sản ở những nơi các đối tượng dễ nhận biết và thực hiện hành vi phạm tội như để ở giỏ xe, chỗ để chân..

Những người tham gia giao thông là tài xế “xe ôm”, xe taxi, cần chủ động từ chối, hạn chế nhận khách, hoặc chở khách đến những địa điểm vắng vẻ vào ban đêm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn