MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số ngân hàng đưa ra các cảnh báo để tránh khách hàng bị mất tiền. Ảnh chụp màn hình.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại

ANH HUY LDO | 30/04/2023 11:20

Các ngân hàng cảnh báo các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi chiêu thức tiếp cận khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Gần đây nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại.

Gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Có không ít người dân nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại để dẫn dụ vào đường link với mục đích đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng.

Mới đây Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cho biết, đơn vị vẫn đang tích cực phối hợp với các Cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi giả mạo, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại về tài chính cho khách hàng.

Theo đó, các thủ đoạn lừa đảo không mới, tuy nhiên các đối tượng thường xuyên thay đổi chiêu thức tiếp cận khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Có thể kể đến một số thủ đoạn như mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng; Tin nhắn giả thương hiệu ngân hàng (SMS Brandname); Chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại (Esim/ Cướp sim). Giả danh công an, viện kiểm soát, tòa án thông báo về việc vi phạm pháp luật;...   

Trong đó, đối với thủ đoạn tin nhắn giả thương hiệu ngân hàng (SMS Brandname), các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn SMS giả mạo thương hiệu ngân hàng thông báo giao dịch bất thường hoặc cảnh báo tài khoản ngân hàng của khách hàng đang gặp sự cố rủi ro trong đó có chứa các đường link giả mạo.

Đường link này dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập và mật khẩu cùng mã OTP nhằm chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.

Đoạn hội thoại giữa đối tượng lừa đảo và một nạn nhân. Ảnh: Công an Bắc Kạn.

Một thủ đoạn mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại (Esim/Cướp sim). Trường hợp này, đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí.

Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng nhắn tin theo cú pháp để chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.

Sau khi chiếm được SIM điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản/thẻ ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt tiền...

Để tránh tình trạng khách hàng bị lừa tiền, MSB và nhiều ngân hàng lưu ý, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, số thẻ qua các đường link lạ chưa xác thực trong bất kỳ trường hợp nào.

Không liên lạc, cung cấp thông tin cá nhân, số CMND, CCCD, Hộ khẩu cho người lạ qua mạng, điện thoại kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng.

Mới đây, Bộ Công an cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và khuyến cáo biện pháp ứng phó: Với các trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn