MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn nhân Hầu Thị L được lực lượng công an giải cứu và bàn giao cho gia đình. Ảnh: CACC

Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên vùng cao sập bẫy “việc nhẹ lương cao”

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 23/08/2023 12:41

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Lai Châu liên tục phát hiện và giải cứu nhiều trường hợp thanh thiếu niên bị lừa đưa vào làm việc tại các quán massage, karaoke, sau đó bị khống chế, giữ lại để phục vụ…

Liên tục giải cứu các trường hợp sập bẫy

Ngày 31.7, Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin nhắn đề nghị giúp đỡ khẩn, đối tượng cần giúp đỡ là cháu Tẩn Thị S (SN 2008) tại bản Nậm Chăng, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ đã bị dụ dỗ đi làm việc tại Hà Nội với mức lương cao. Tuy nhiên, sau đó S đã bị đưa vào làm việc tại một quán massage.

S bị yêu cầu gọi điện về nhà đòi tiền phí giới thiệu việc làm, phí đi lại và sinh hoạt, nếu không sẽ bị đưa đi nơi khác làm việc để trả nợ. Sau đó, phải rất khó khăn Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an quận Tây Hồ, Hà Nội mới giải cứu được S tại quán massage trên đường Lạc Long Quân và đưa về với gia đình.

Ngoài ra, còn có em họ của S tên là Tẩn Thị T (SN 2008) cùng đi với S xuống Hà Nội và bị đưa đến một quán massage ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau đó T được lực lượng công an giải cứu và đưa về gia đình.

Tiếp đó, ngày 13.8, Công an Lai Châu nhận được tin báo về việc cháu Hầu Thị L (SN 2008) xuống Hà Nội làm việc nhưng bị giữ, quản thúc trong phòng cùng 14 người khác để đưa đi làm việc tại các quán hát karaoke tại Bắc Giang. Tại đây, các đối tượng không cho sử dụng điện thoại và bắt L phải làm việc 1 năm mới cho về. L đã rất hoảng loạn, nhưng sau đó đã bình tĩnh tìm cách nhắn tin cho gia đình để cầu cứu.

Sau khi hướng dẫn L định vị, Công an Lai Châu đã trao đổi với Công an huyện Lục Nam phối hợp xác minh. Đến 15h ngày 14.8, tổ công tác đã tìm được cháu L đang bị quản thúc trong một căn phòng tại thôn Gai, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Một trường hợp khác là em L.T.N (SN 2007) tại xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. N đi làm thuê ở Vĩnh Phúc từ đầu tháng 7.2023, ngày 15.8, N đã mượn điện thoại của bạn nhắn tin cho gia đình là mình bị lừa. Sau đó gia đình đã báo cơ quan Công an nhờ giúp đỡ giải cứu.

Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã cử lực lượng phối hợp với Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc truy tìm. 13h ngày 17.8, tổ công tác đã tìm được cháu N tại cơ sở massage ở Thôn Giếng Mát, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, đầu tháng 7.2023, N được một phụ nữ nhắn tin giới thiệu có quán ăn ở tại Vĩnh Phúc tuyển phục vụ, trả lương cao. Với rất nhiều lý do quảng bá, giới thiệu và N đã đồng ý đi làm. Khi đi cùng đến Vĩnh Phúc, N được đưa đến một quán massage và bị chủ quán thu điện thoại…

Hậu quả khôn lường từ “cạm bẫy” việc nhẹ lương cao

Theo lời kể của các nạn nhân được giải cứu, tại các cơ sở massage, karaoke mà họ từng bị khống chế có rất nhiều trường hợp tương tự, hầu hết đều ở tuổi mới lớn. Các trường hợp bị lừa đến những cơ sở này không chỉ ở Lai Châu mà còn ở rất nhiều tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Có trường hợp đã được giải cứu, nhưng cũng có những trường hợp đã cam chịu và sau đó lại tiếp tục lôi kéo thêm bạn bè, người quen…

Sáng 22.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thượng tá Vũ Tiến Văn - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Lai Châu - cho biết, vì Lai Châu là một tỉnh nghèo, không có các khu công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động ít nên hiện nay nhu cầu đi làm việc ngoại tỉnh là khá lớn. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ thì đối tượng là thanh thiếu niên mới lớn rất dễ bị đối tượng xấu lợi dụng.

Mặt khác, khi thay đổi môi trường sống, nhiều thanh thiếu niên đã không làm chủ được trước những cám dỗ về vật chất tại các thành phố lớn, do đó đã lầm đường, lạc lối và còn kéo theo những người quen từ quê hương mình để được hưởng thêm những lợi ích về vật chất.

Cũng theo Thượng tá Vũ Tiến Văn - Công an tỉnh Lai Châu - đã có rất nhiều đợt tuyên truyền tại các địa phương, đặc biệt tại các bản vùng sâu, vùng xa về những thủ đoạn lừa đảo và rủi ro khi đi làm ngoại tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mắc phải.

“Hầu hết các tổ chức, đơn vị đến địa phương tuyển dụng lao động đều có cam kết và hợp đồng chặt chẽ. Tuy nhiên, khi ra khỏi địa bàn thì việc quản lý các lao động này là rất khó, chủ yếu họ phải có ý thức tự bảo vệ” - ông Văn cho hay.

Có thể thấy, không chỉ những thanh thiếu niên đi làm ở ngoại tỉnh, mà ngay cả ở tại địa phương, nếu không có ý thức lao động nghiêm túc, thích “việc nhẹ lương cao” thì cũng có không ít thanh thiếu niên lầm đường, lạc lối. Thậm chí đi vào những con đường tệ nạn và vướng vào lao lý.

Minh chứng mới đây nhất, ngày 17.8, lực lượng chức năng Công an Lai Châu tiến hành kiểm tra ma túy trong cơ thể đối với 7 trường hợp có mặt tại quán karaoke Đại Phúc tại bản Thác Cạn, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường. Kết quả có 6/7 trường hợp dương tính với ma túy; trong đó có 5 trường hợp là nữ thì có đến 2 trường hợp chưa đủ 18 tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn