MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng Hoài bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguồn: CANĐ

Cảnh giác chiêu trò chiếm đoạt tiền trong hoạt động từ thiện

Minh Thành LDO | 09/10/2021 08:33

Lợi dụng lòng trắc ẩn của nhiều người, các đối tượng đã kêu gọi hoạt động từ thiện rồi chiếm đoạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Dùng những hình ảnh hài nhi xấu số để lừa đảo lòng trắc ẩn

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Cao Thị Hoài về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo cơ quan công an, Cao Thị Hoài, 23 tuổi, đã lập gia đình và có 3 con nhỏ. Từng làm công nhân may nhưng sau đó Cao Thị Hoài nghỉ việc, ở nhà chăm con. Cả gia đình Hoài sinh sống nhờ vào tay nghề thợ mộc của chồng. 

Trong thời gian nghỉ việc, Cao Thị Hoài biết đến facebook của một cá nhân ở tỉnh Bình Thuận đang làm công việc thiện nguyện cho những trẻ sơ sinh xấu số. Trang facebook của người này thường chia sẻ bài viết, hình ảnh về hoạt động thiện nguyện thu gom, mai táng cho những hài nhi xấu số bị bỏ rơi, bị phá bỏ và có lượt tương tác rất cao; nhiều nhà hảo tâm để lại bình luận sẵn sàng hỗ trợ kinh phí. Cao Thị Hoài nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Sau đó, Cao Thị Hoài lập tài khoản facebook “Trần Mai Thu Thảo” (sau đổi tên facebook thành Mai Mai) kêu gọi mọi người quyên góp tiền để mua đất, mua vật tư  phục vụ việc mai táng cho những thai nhi xấu số. Để tăng mức độ chân thật, lừa được niềm tin, lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm, Cao Thị Hoài tự giới thiệu bản thân đang làm việc tại phòng khám và điều trị “Tâm an đường”; đặt slogan của facebook Mai Mai là “Bảo vệ mạng sống cho các con”.

Cao Thị Hoài vào những trang fanpage, facebook của những người đang làm thiện nguyện cho trẻ sơ sinh thương vong, lựa chọn hình ảnh thương tâm về những thai nhi xấu số không được làm người rồi sao chép về facebook Mai Mai. Ở mỗi bài đăng, Cao Thị Hoài đều kêu gọi quyên góp tiền để mua đất, vật tư xây dựng phục vụ mai táng cho những sinh linh về nơi an nghỉ. Để tạo lòng tin, facebook Mai Mai lại đưa những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để mọi người nhầm tưởng đó là sự thật. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11.2020 đến tháng 5.2021, facebook Mai Mai đã có hàng nghìn lượt xem, like và bình luận. Tài khoản ngân hàng của Cao Thị Hoài có gần 700 người từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước gửi tiền ủng hộ từ thiện; mức ủng hộ từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng mỗi người. Sau khi nhận được tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, Cao Thị Hoài không chuyển cho bất cứ cá nhân, gia đình nào cần giúp đỡ hay tổ chức từ thiện nào mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 11.2020 đến tháng 5.2021, Cao Thị Hoài đã chiếm đoạt tài sản của 688 nhà hảo tâm với tổng số tiền trên 260 triệu đồng. 

Với hành vi tương tự, cuối tháng 9.2021, tài khoản Facebook “Nguyễn Phương Nga” đăng bài viết lên nhóm “Đại Từ quê mình” và ĐẠI TỪ QUÊ MÌNH có hàng chục nghìn thành viên với nội dung: Em xin mọi người hãy bớt chút lòng thơm thảo giúp con với ạ. Lời cầu cứu của người bố đơn thân bị ung thư máu cho con gái bị bỏng. Mẹ con mới mất cách đây 4 tháng do tai nạn khi trên đường đi về nhà. Xin mọi người cứu con với…

Tiếp theo, bài viết nêu nguyên nhân sự việc, hoàn cảnh khó khăn, hình thức liên hệ cùng số điện thoại. Sau vài tiếng đăng tải, bài viết thu hút hàng trăm lượt người quan tâm, chia sẻ, trong đó đã có không ít người chuyển tiền ủng hộ và đăng ảnh thông báo chuyển tiền thành công trong phần bình luận… Tuy nhiên đến khoảng hơn 21 giờ cùng ngày, sau khi bị phát hiện đăng thông tin sai sự thật, chủ tài khoản đã xóa bài trên các nhóm này.

Xử lý nghiêm

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện. Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của những đối tượng thừa cơ trục lợi, lợi dụng thiên tai, hoàn cảnh éo le của người khác để trục lợi.

Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư phân tích, kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, trên khó khăn hoạn nạn của người khác và là hành vi lừa dối, gian dối, lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để trục lợi. Hành vi này làm mất niềm tin của con người với nhau, làm cho người ta luôn nghi ngờ lòng tốt, làm suy giảm cái thiện lương trong mỗi con người.

Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền đó thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết: “Theo quy định cụ thể tại Nghị định 64/2008 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi. Nghiêm cấm gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp. 

Do vậy, nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Nếu cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an nhận được các chứng cứ, tài liệu như tôi nói ở trên thì chắc chắn là cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”.

Đang xem xét hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ

Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang tiếp nhận đơn thư của công dân tố cáo ca sĩ Thủy Tiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Công an TPHCM cho biết, Phòng PC02 vừa có thông báo đã chuyển đơn tố cáo bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên, SN 1985, ngụ quận 7) đến Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01) để xem xét, xử lý và giải quyết theo thẩm quyền.

Được biết, ca sĩ Thủy Tiên bị bà N.T.O.P nộp đơn tố cáo về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong đơn, bà P tố cáo ca sĩ Thủy Tiên có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung vào tháng 10.2020. Bà P cho rằng ca sĩ Thủy Tiên công bố trên trang Facebook cá nhân tổng số tiền của công chúng gửi đến tài khoản của cô là hơn 170 tỉ đồng. Tuy nhiên, bản thân bà P và cộng đồng mạng đã phát hiện một số khuất tất ở hai khoản lên đến hơn 80 tỉ đồng. Từ thông tin trên, bà P đề nghị Công an vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của ca sĩ Thủy Tiên, vì có dấu hiệu cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Hiện đơn tố cáo của bà P đã được Văn phòng Cơ quan CSGT, Công an TPHCM tiếp nhận để xác minh, xử lý đơn thư theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, cơ quan công an cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy - Quảng Bình rà soát cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, chất liệu điện tử liên quan đến hoạt động từ thiện của bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) trên địa bàn huyện năm 2020. Để đảm bảo thông tin cung cấp cho cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phục vụ công tác điều tra, UBND huyện Lệ Thủy đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổng hợp, báo cáo bằng văn bản các nội dung theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và gửi báo cáo, tài liệu, chứng cứ về UBND huyện qua Hội Chữ thập đỏ huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn