MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh giác tình trạng mạo danh cán bộ Nhà nước để lừa đảo

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/10/2022 19:16
Tâm lý của người tiếp nhận các cuộc gọi mạo danh cán bộ Nhà nước thường sợ hãi các vấn đề liên quan đến pháp luật, các nhà chức trách. Việc này giúp đối tượng lừa đảo dễ dàng đe dọa người dân để chiếm đoạt tài sản. 

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận nhiều phản ánh về việc có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ thanh tra, hăm dọa người dân, nói họ mua bán thuốc điều trị COVID-19 không có giấy phép. Những người gọi điện thoại mạo danh còn đọc đúng số CMND, địa chỉ nhà… của người dân để gây áp lực.

Theo Thanh tra Sở Y tế, đây không phải lần đầu tiên đơn vị bị mạo danh. Tần suất đơn vị bị mạo danh nhiều nhất xảy ra trong giai đoạn dịch COVID-19, với cùng thủ đoạn nói đúng thông tin cá nhân của người dân và hăm dọa họ đang vi phạm pháp luật. Trong năm 2021, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã chuyển hồ sơ 21 vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.

Chuyên gia tâm lý, TS Hoàng Trung Học cho rằng, tâm lý của người tiếp nhận các cuộc gọi mạo danh này thường rất sợ hãi các vấn đề liên quan đến pháp luật, đến nhà chức trách. Trong khi đó, người gọi điện thoại tiếp cận gián tiếp nên nạn nhân không thể thẩm định thông tin ngay lập tức ai là người đang nói chuyện với mình. Tâm lý chung của nạn nhân thường rất hoang mang, mất bình tĩnh.

Không những vậy, các đối tượng lừa đảo còn tinh vi khi dàn dựng các bối cảnh âm thanh rất giống với các cơ quan nhà nước như tòa án, công an, thanh tra… để nạn nhân thêm phần tin tưởng.

Lợi dụng đặc điểm tâm lý này nên các đối tượng xấu thực hiện các cuộc gọi để mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số người dân không đủ bình tĩnh và tỉnh táo sẽ dễ dàng bị các đối tượng này dẫn dắt, lừa đảo.

TS Hoàng Trung Học khuyến cáo: Để tránh được những “bẫy” này, người dân cần nhận thức rõ và xác định tâm lý rằng, nhà chức trách không bao giờ làm việc qua điện thoại mà sẽ làm việc trên giấy tờ, thông báo rõ ràng. Thấy được sự phi lý, không đúng quy định của pháp luật, để từ đó bình tĩnh, không làm theo các điều kiện mà đối tượng xấu yêu cầu. Đặc biệt, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm cả danh tính, số CCCD, số tài khoản ngân hàng…) cho bất cứ đối tượng nào mình chưa xác minh được vai trò xã hội và vị trí công tác của họ.

"Người dân có quyền đòi hỏi xác minh danh tính trước khi làm việc. Quan trọng nhất, cho dù có liên quan đến các vấn đề pháp luật hay không thì người dân cũng phải giữ bình tĩnh, tỉnh táo, làm việc trực tiếp với người gọi điện, không làm việc gián tiếp qua điện thoại để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - TS Học chia sẻ. 

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng hành vi mạo danh cán bộ, cơ quan Nhà nước là hành vi trái pháp luật. 

Nếu các đối tượng này giả mạo, mạo danh nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi tương ứng tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Nếu các đối tượng này giả mạo, mạo danh không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 339 Bộ luật Hình sự về “Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đưa ra lời khuyên: Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tiếp cận các thông tin pháp luật, thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới đặc biệt là các thủ đoạn trên không gian mạng để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh.

"Đặc biệt, nếu gặp tình huống này, người dân phải bình tĩnh, tuyệt đối không nghe theo các thông tin, yêu cầu của các đối tượng. Người dân có thể ghi âm cuộc hội thoại và trình báo chính quyền công an xem xét xác minh, làm rõ, xử lý đối tượng có hành vi vi phạm", Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn