MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai đối tượng quản lý điều hành đường dây cho vay nặng lãi qua app. Ảnh: Công an cung cấp

Cảnh giác với bẫy vay tiêu dùng thời điểm dịch

Huân Cao - Quân Trường LDO | 22/04/2020 13:21
Do dịch COVID-19 nên nhiều người gặp khó khăn về tài chính, nắm bắt thời điểm này, nhiều công ty tài chính, dịch vụ cho vay qua app và các đối tượng cho vay nóng đã “giăng bẫy” khắp nơi để đưa người vay vào tròng. Công an TPHCM vừa triệt phá, bắt giữ một nhóm người hoạt động tín dụng đen, cho khoảng 60.000 khách vay nặng lãi qua app với số tiền khoảng 100 tỉ đồng.

Vay qua ứng dụng lãi suất hơn 1.000%/năm

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM vừa triệt phá thành công một đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do một số đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”, các đối tượng này đã thiết lập đường dây cho vay nặng lãi đến 1.095%/năm. 

Đường dây cho vay nặng lãi này, được Niu Li Li và Jiang Miao thuê hai đối tượng Tu Long (SN 1992) và Yuan Deng Hui (SN 1992, cùng quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý điều hành. Ngoài ra, còn khoảng trên 40 nhân viên người Việt Nam được các đối tượng này phân công vào các nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ, thẩm định và đòi nợ.

Qua điều tra, các đối tượng khai nhận hoạt động từ tháng 4.2019 đến nay với số tiền cho vay khoảng 100 tỉ đồng. Mạng lưới mở ra khắp 60 tỉnh, thành  với số nạn nhân lên hơn 60.000 người. Các đối tượng này cho biết, do thủ tục cho vay nhanh ngọn, giải ngân nhanh nên dù lãi suất cao ngất ngưởng nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt vay.

Đây chỉ là một trong rất nhiều tổ chức cho vay nặng lãi đang vươn vòi khắp nơi tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu tài chính để chi tiêu, nhất là công nhân và lao động thời vụ. Tuy nhiên, việc tiếp cận vay tiêu dùng tại các ngân hàng thường thủ tục phức tạp, nên nhiều người tìm đến các cách thức vay đơn giản, nhanh gọn.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM - cho hay, thời gian qua, Phòng PC02 đã liên tục phá án nhiều tổ chức tín đụng đen. Thời gian tới, PC02 tiếp tục tăng cường triệt phá và xử lý nghiêm các đối tượng này để đem lại bình yên cho người dân thành phố.

Đừng vì dễ giải ngân mà mắc bẫy

Thủ tục đơn giản, chỉ cần 1 chứng minh thư hay cà vẹt xe là đã được giải ngân chục triệu đồng trong vòng 5 phút là lý do thu hút nhiều người tham gia vay. Anh Nguyễn Minh Trung (25 tuổi, quận Gò Vấp) nói rằng, do ảnh hưởng của dịch, mất việc làm nên anh chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, việc chạy xe cũng khó khăn, không đủ tiền chi tiêu nên anh lên mạng vay 2 triệu đồng để xoay xở.

“Tôi vay 2 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 1,7 triệu đồng vì họ tự trừ 300.000 đồng tiền phí. Trong vòng 15 ngày, mỗi ngày tôi phải đóng đủ số tiền gốc và lãi suất theo mức họ đưa ra. Tôi chạy xe đều dùng tiền có được đóng cho họ 200.000 đồng/ngày, nhưng không hiểu họ tính cách gì mà tôi trả cả tháng rồi vẫn chưa hết nợ” - anh Trung cho biết.

Chị Phạm Thị Hà (32 tuổi, quận 10) sau khi vay qua app đã trả đủ cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, khi trả xong, tự nhiên chị lại tiếp tục nhận được tiền vay thêm mới dù không có nhu cầu. “Khi tôi chậm trả khoản tiền trên, họ đồng bộ danh bạ Facebook, điện thoại, Zalo của tôi rồi nhắn tin cho gia đình, bạn bè và người thân để gây sức ép buộc tôi trả tiền” - chị Hà nói.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy - cán bộ Phòng PC02 - cho hay, trong thời gian này, người dân không nên hy vọng và suy nghĩ điều gì tốt đẹp sẽ đến khi bắt đầu tham gia vay nặng lãi, cho dù đó là giải pháp cấp bách, tạm thời hay trước mắt. Vì đây chính là “cạm bẫy chết người” được đặt ra để săn người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn