MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lê Thị Phi Nga (giữa) cùng đồng phạm trong vụ chiếm đoạt tài sản bị Cục Cảnh sát hình sự triệt phá. Ảnh: Cục Cảnh sát hình sự

Cảnh sát điều tra cá nhân tại ngân hàng trong vụ chiếm đoạt hàng chục tỉ

Việt Dũng LDO | 25/04/2022 11:29
Ngoài khởi tố hàng loạt bị can trong vụ thu thập thông tin, chiếm đoạt hàng chục tỉ của khách, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục điều tra hành vi liên quan của các cá nhân của ngân hàng.

Ngày 25.4, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết đã  khởi tố bị can Lê Thị Phi Nga (51 tuổi), Ngô Thị Ngọc Lan (28 tuổi), Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, cùng ở Hà Nội) và 3 người khác về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản".

Cuối năm 2021, một số chi nhánh nhà băng ở khu vực phía nam trình báo Cục Cảnh sát hình sự về việc nhiều khách hàng của ngân hàng bị mất tiền trong tài khoản mà không rõ lý do.

Sau khi chỉ đạo lập chuyên án để điều tra, trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự yêu cầu ban chuyên án phải bắt quả tang người liên quan đường dây này để phá án.

Giữa tháng 1, lực lượng thuộc Phòng 7 Cục Cảnh sát hình sự phát hiện Trần Thùy Anh (29 tuổi, ở Hà Nội) dùng chứng minh nhân dân giả đến chi nhánh một ngân hàng tại quận Cầu Giấy để rút 800 triệu đồng.

Từ lời khai của người phụ nữ, cảnh sát tạm giữ 2 người đi cùng cô ta là Lê Thị Phi Nga và Nguyễn Trung Kiên.

Kết quả điều tra cho thấy, bị can Lê Thị Phi Nga giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây.

Từ năm 2021, bà Nga phân công Kiên và Lê Thị Liên Hương (50 tuổi, ở Hà Nội) len lỏi vào các diễn đàn, mạng xã hội để thu thập thông của những tài khoản chơi cá độ bóng đá, ghi lô đề, trò chơi điện tử để cung cấp cho Lan.

Đáng chú ý, nhóm bị can còn chi tiền thuê một số công ty thám tử để tìm dữ liệu về tài khoản cá nhân như số căn cước công dân, mẫu chữ ký hay số điện thoại sử dụng dịch vụ internet banking.

Ngoài ra, Ngô Thị Ngọc Lan còn bị cáo buộc đã lợi dụng các mối quan hệ ở một số nhà băng để thu thập thông tin tài khoản kèm mẫu chữ ký của khách hàng để cho đồng bọn bắt chước chữ ký nạn nhân.

Khi có được hệ thống dữ liệu cá nhân của nhiều người, Lê Thị Phi Nga và các bị can tiếp tục thuê người làm giả căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân. Sau đó, Thùy Anh và Cường mang các giấy tờ tùy thân đến chi nhánh công ty viễn thông để báo mất SIM, từ đó họ được nhà mạng cấp lại số điện thoại mới giống với số chính chủ của tài khoản đang sử dụng.

Cuối cùng, Thùy Anh hoặc một người khác trong nhóm được phân công mang giấy tờ tùy thân, số điện thoại chính chủ đến chi nhánh ngân hàng để giao dịch rút tiền.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, để lọt qua bước cuối cùng là xác thực chân dung khách hàng, nhóm gây án còn sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn.

Cụ thể, các bị can lợi dụng tình hình phức tạp của dịch COVID-19 nên đeo khẩu trang khi giao dịch. Lúc đó, nhiều ngân hàng hay nhà mạng cũng không triệt để yêu cầu khách hàng tháo khẩu trang để nhận diện. Do đó, nhóm của bà Nga dễ dàng sử dụng giấy tờ giả để qua mặt đối phương.

Theo điều tra, sau khi có đủ giấy tờ tùy thân và số điện thoại, nhóm lừa đảo báo mất mật khẩu tài khoản ngân hàng để được cấp lại thông tin mới kèm mã OTP. Cuối cùng, các bị can trực tiếp đến nơi giao dịch để làm thủ tục rút hoặc chuyển tiền.

Trong gần một năm, nhóm của Phi Nga đã thực hiện hơn 10 vụ chuyển tiền, chiếm đoạt trên 17 tỉ đồng. Sau đó, bà Nga và 5 bị can chia nhau số tiền này.

Quá trình tố tụng, cơ quan điều tra đã truy thu hơn 1 tỉ đồng, kê biên nhiều tài sản liên quan. Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục điều tra làm rõ các cá nhân tại ngân hàng mà bà Lan đã lợi dụng để thu thập thông tin khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn