MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng Linh - Vũ đang bị tạm giữ để điều tra hành vi hành hạ người khác. Ảnh: CAHN

Cặp vợ chồng trông thuê rồi hành hạ bé 1 tuổi có thể bị xử lý ra sao?

Quang Việt LDO | 31/07/2022 13:47
Hà Nội - Đoàn Diệu Linh và Hoàng Thế Vũ hiện bị công an tạm giữ để điều tra về hành vi hành hạ bé hơn 1 tuổi. Theo quy định pháp luật, cặp vợ chồng này đối diện với khung phạt ra sao?

Như Lao Động đưa tin, bé hơn 1 tuổi bị vợ chồng Linh và Vũ hành hạ là con của một nữ công nhân làm việc tại Bắc Giang.

Chị này qua mạng xã hội đã đem con gửi cho Linh trông giữ từ 21.7, với tiền công 3 triệu đồng/tháng để đi làm.

Tuy nhiên, trong khi trông giữ đứa trẻ ở khu trọ quận Đống Đa, khi cháu bị sốt, quấy khóc, cặp đôi này đã hành hạ nạn nhân, rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Dưới góc độ pháp lý, Điều 140 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi quy định, hành hạ người khác là đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình và bị xử lý hình sự.

Theo đó, hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như bỏ đói, đánh đập… và các hành vi đối xử tàn ác thường lặp đi lặp lại kéo dài trong khoảng thời gian nhất định.

Nạn nhân của tội "Hành hạ người khác" là những người có quan hệ lệ thuộc với người có hành vi hành hạ. Song đó không phải là quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng hay con cái. Quan hệ đó thể hiện trong các quan hệ xã hội, tôn giáo, công việc… như bác sĩ với bệnh nhân, học trò với thầy cô giáo, bảo mẫu với trẻ được trông giữ.

Theo luật sư Nguyễn Mai Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội, tội hành hạ người khác cấu thành hình thức tức là chỉ cần có hành vi phạm tội thì được xem là tội phạm hoàn thành.

Mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm với trường hợp đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.

Phạt tù từ 1-3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên...

Về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi hành hạ người khác có lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi vi phạm quy định về quyền nhân thân, thấy trước được hậu quả của hành vi gây thiệt hại cho người khác.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của của trẻ số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tiến cho hay, trường hợp nạn nhân bị hành hạ tiên lượng xấu, dẫn đến tử vong mà cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định nguyên nhân xuất phát từ việc bị đánh đập, hành hạ, thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích" có mức phạt cao nhất là 14 năm tù với tình tiết định khung là “làm chết người”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn