MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng CSGT đường thủy tuần tra kiểm soát các phương tiện.

“Cát tặc” sông La hết đất lộng hành sau khi triển khai cấp mỏ ​

ĐỨC LĨNH LDO | 30/06/2017 11:41
Nhờ quyết tâm cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng nên thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La đoạn qua xã Đức Quang nói riêng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nói chung đã giảm rõ rệt, khiến người dân bên dòng sông cảm thấy an tâm.  

Trung tá Trần Hữu Cảnh – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, thời gian qua, CSGT đường thủy đã xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép, nổi bật nhất vẫn là điểm nóng ở Đức Hoà, đoạn giáp ranh với xã Ân Phú huyện Vũ Quang và xã Sơn Long huyện Hương Sơn; khu vực Thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn... Với vị trí địa lý phức tạp, là khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nên việc quản lý khai thác cát tương đối khó khăn.

Những năm trước, khu vực sông La qua xã Đức Quang luôn là vùng đất màu mỡ của cát tặc, là điểm nóng, phức tạp trong xử lý cát trái phép. Có những vụ "cát tặc" thậm chí tấn công lại cả lực lượng chức năng, điển hình như tháng 3.2012, “cát tặc” đã hành hung một công an viên của xã Đức Quang. Tháng 5.2013, “cát tặc” dùng sà lan đâm chìm xuồng chở 6 chiến sĩ công an và đánh trọng thương trưởng Công an xã Đức Quang khi bị lực lượng này truy bắt. Trong năm 2016 và nửa năm 2017, số lượng tàu, sà lan được đăng ký, đăng kiểm tăng, các phương tiện không phép được xử lý, tình trạng khai thác cát trái phép ở xã Đức Quang đã giảm rõ rệt.

Ông Phan Quân một người dân thôn Đại Quang, xã Đức Quang  cho biết: "Hiện nay tình trạng khai thác cát lậu đã giảm đi rất nhiều, hiện tượng hút cát bên kè gây sạt lở ngang nhiên như ngày trước không có. Khi được người dân phản ánh, lãnh đạo xã đã chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn... Đặc biệt, công nhân các đơn vị khai thác có phép ở đây sống rất hoà đồng với bà con chòm xóm. Tất cả các phong trào, các hoạt động kêu gọi xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, đơn vị đóng góp nhiệt tình, bà con rất phấn khởi".

Ông Chu Đình Lưu - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đức Quang - cho biết, khi tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp về khai thác, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc thấu đáo với doanh nghiệp  thống nhất cách làm, cách triển khai trong khai thác mỏ. Những phà đăng kí hợp đồng lâu dài với mỏ đều có biển hiệu, kí hiệu riêng rõ ràng để dễ quản lý. Khi phát hiện tàu lạ khai thác cát trái phép ngoài vùng mỏ được cấp, các phà và sà lan của đơn vị sẽ thông tin cho nhau, báo cho lãnh đạo xã triển khai lực lượng bắt giữ". 

Sự phối hợp tốt giữa các lực lượng sẽ đẩy lùi nạn “ Cát tặc”.

Anh Tường - một chủ phà - cho biết: "Bản thân gia đình tôi theo nghề cát cũng rất lâu rồi, ở Đức Quang thiên nhiên ưu đãi một vùng cát rộng lớn, hàng năm lũ lụt về lại cứ bồi thêm. Trước khi chưa có mỏ, chúng tôi thường hút cát trên sông luôn bị cơ quan chức chức năng bắt và xử lý, đời sống của anh em nhà phà bấp bênh và gặp rất nhiều khó khăn. Khi Nhà nước cấp mỏ cho doanh nghiệp, chúng tôi được doanh nghiệp hướng dẫn khai thác đúng vị trí nhà nước cấp nên cuộc sống dần dần ổn định hơn, anh em nhà phà rất yên tâm."

Có thể nói, việc quản lý khai thác “cát lậu” trên địa bàn huyện Đức Thọ nói chung, xã Đức Quang nói riêng được như hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch đưa vào đấu giá mỏ cát của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các sở ban ngành; đáp ứng được nhu cầu cát xây dựng khan hiếm trên thị trường ;tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, đảm bảo nguồn thu ngân sách và chống thất thoát tài nguyên thiên nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn