MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các loại tờ rơi dán quảng cáo vay tài chính vẫn tràn lan. Ảnh: C.N

Chặn mầm mống tội phạm từ “tín dụng đen”

CAO NGUYÊN LDO | 04/08/2018 15:17
Vài năm gần đây, hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước. Các nhóm tội phạm cho vay nặng lãi đã giăng bẫy người vay bằng cách phát tán tờ rơi, quảng cáo trên mạng và gọi điện thoại chào mời cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Nhiều người đang cần tiền đã bị sập bẫy, phải thế chấp bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe để được vay với số tiền từ 1 - 10 triệu đồng, lãi suất 10% - 15%, khi nhận tiền liền bị trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày. Phải gánh mức lãi suất cao ngất, người vay khó trả nổi, lâm vào cảnh cùng khốn vì lãi mẹ đẻ lãi con thành số nợ chồng chất.

Chết người từ… vay lãi

Thực tế qua tìm hiểu của phóng viên, khi người vay không có tiền để trả góp hằng ngày, liền bị đòi nợ kiểu xã hội đen: Khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ.

Cách đây không lâu, vào cuối tháng 6 đối tượng Nguyễn Tấn Dũng (34 tuổi, huyện Núi Thành) và Nguyễn Ngọc Trung (30 tuổi, huyện Phú Ninh) đến cơ sở cầm đồ của anh Hồ Việt Thắng (ở TP.Tam Kỳ) ở đường Trần Cao Vân, phường Trường Xuân để vay tiền cá độ bóng đá World Cup.

Dũng và Trung bị Thắng từ chối với lý do khoản vay trước đó còn chưa trả. Hai bên xảy ra cãi vã. Trong khi ẩu đả Trung dùng kéo đâm Thắng 4 nhát vào lưng và ngực tử vong.

Thực tế có những trường hợp do hoàn cảnh gia đình khó khăn (như cần tiền chữa bệnh nan y cho người thân, lo việc cưới, việc tang...), hay như dân nghèo thành thị làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có mục đích vay vốn chính đáng, hoặc nông dân nghèo ít giao tiếp, thiếu hiểu biết hồ sơ, thủ tục, rất khó vay được vốn tín dụng, và cũng khó vay được từ những người quen biết.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đen ngang nhiên phát, dán tờ rơi quảng cáo, chiêu dụ người dân vay tiền, nên nhiều người nghèo đành liều nhắm mắt đưa chân vay tín dụng đen.

Xử lý nghiêm mầm độc

Ghi nhận của PV trên một số tuyến phố ở Hà Nội như đường Láng, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Xã Đàn, Khâm Thiên hay đường Đê La Thành… hiện nay có rất nhiều cửa hàng cầm đồ hoạt động. Tài sản cầm cố tại đây chủ yếu là điện thoại, xe máy, máy tính xách tay…

Mới đây, Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã ký văn bản số 3200/CAHN-PV11, gửi thủ trưởng các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã, về việc chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11.

Theo đó, quá trình thực hiện Kế hoạch 231 bước đầu đã làm chuyển biến tình hình, nhiều ổ nhóm tội phạm đã được rà, dựng, phát hiện, bóc gỡ. “Trưởng phòng CSHS, Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, rà soát lại toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn; rà soát, thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thế chấp, cho vay tài chính...” - công văn yêu cầu.

“Đơn vị nào để xảy ra các vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay tài chính nhưng không nằm trong danh sách quản lý; để tồn tại các ổ nhóm, đối tượng hình sự hoạt động kéo dài nhưng không có kế hoạch hoặc xây dực kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì Thủ trưởng đơn vị, cán bộ được giao theo dõi, quản lý địa bàn đó phải chịu trách nhiệm” - công văn nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn