MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng làm việc của ông Bùi Quang Huy, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân huyện Cao Phong.

Chánh văn phòng tòa án 26 năm bị truy nã: Lý lịch "sạch" thế nào?

Cường Ngô - Tạ Quang LDO | 02/12/2019 17:35

Liên quan việc ông Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1973), Chánh văn phòng Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt vì trốn truy nã 26 năm, chiều 2.12, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (TAND tỉnh Hòa Bình).

Hồ sơ của ông Huy do Sở Tư pháp bàn giao

Thưa ông, đối với trường hợp của ông Nguyễn Quang Huy khi chuyển hồ sơ từ Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình sang công tác trong ngành tòa án, có thông tin thế nào?

Từ năm 2000, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tuyển dụng ông Nguyễn Quang Huy, theo phân cấp, bắt đầu từ năm 2003, các cán bộ công chức thuộc diện Sở Tư pháp quản lý chuyển sang công tác trong ngành tòa án, thì toàn bộ hồ sơ sẽ được bàn giao từ Sở Tư pháp tỉnh, sang văn phòng tòa án tỉnh, Phòng Tổ chức cán bộ tòa án tỉnh. Chúng tôi tiếp nhận và quản lý hồ sơ trên cơ sở bàn giao của Sở Tư pháp.

Khi kiểm tra lại, trường hợp của ông Nguyễn Quang Huy liên quan tội danh gì, trong vụ án nào?

Theo thông tin của cơ quan điều tra, sáng nay (2.12) chúng tôi mới nhận được các văn bản liên quan đến trình tự tố tụng. Ông Huy có liên quan vụ trộm cắp (trộm dầu) ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Vụ án đó được truy tố năm 1992, xét xử năm 1993.

Khi đưa vụ án ra xét xử năm 2003, tòa án có yêu cầu phát lệnh truy nã đối với Nguyễn Quang Huy?

Trong trường hợp này, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã  đối với Nguyễn Quang Huy.

Cơ quan công an có cần phải báo lại lệnh truy nã bị can, gửi sang tòa để tòa tiếp cận?

Ông Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Cường Quang

Việc này, thông thường cơ quan điều tra sẽ tiến hành truy nã, còn trình tự tố tụng thì tôi không có thẩm quyền giải thích ở đây. Tuy nhiên, trình tự tố tụng do cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành. Tòa án không theo dõi lệnh truy nã đó.

Đối với hồ sơ cán bộ, khi chuyển từ Sở Tư pháp sang, tòa án có thẩm định lại không, hay đơn thuần chỉ tiếp nhận hồ sơ?

Chúng tôi đơn thuần tiếp nhận lại hồ sơ, vì việc đánh giá liên quan lý lịch tư pháp thì theo quy định từ năm 2012 trở lại đây, chúng tôi mới yêu cầu cán bộ phải có lý lịch tư pháp, chứng minh quá trình hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Còn trước đó, cơ quan tư pháp chính là cơ quan đánh giá lý lịch tư pháp, chúng tôi tiếp nhận hồ sơ trên cơ sở đó.

Có một điều nữa là năm 1999, ông Huy đã được kết nạp Đảng, lúc đó là UBND xã Thái Bình, Đảng ủy xã Thái Bình xét duyệt, nên chúng tôi không tiếp cận, bởi hồ sơ đảng viên được quản lý theo cấp ủy đảng. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với những cán bộ làm việc trước năm 2012, có cần bổ sung lý lịch tư pháp không?

Không yêu cầu phải làm lý lịch tư pháp.

Hồ sơ gốc không thể hiện việc có lệnh truy nã?

Sau khi xảy ra sự việc này, TAND tỉnh Hòa Bình đã làm việc với Sở Tư pháp để làm rõ vấn đề này chưa?

Đến ngày 28.11, chúng tôi mới nhận được quyết định chính thức từ cơ quan điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình. Thời gian gấp, với lại bên Sở Tư pháp, cuối năm đang tổng kết hồ sơ, nên chúng tôi sẽ liên hệ sau.

TAND tỉnh Hòa Bình.

Trong hồ sơ gốc không thể hiện việc ông Huy bị truy nã?

Trong hồ sơ gốc đối với cán bộ Nguyễn Quang Huy có một lý lịch cấp năm 2000, có xác nhận tại chính quyền địa phương và lý lịch này được Sở Tư pháp đưa vào hồ sơ gốc; trong lý lịch đó không có bất cứ thông tin gì, văn bản nào liên quan đến việc truy nã với Nguyễn Quang Huy.

Vậy có thông tin nào liên quan việc công dân này vi phạm pháp luật ở địa phương?

Qua quá trình làm công tác tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Quang Huy không có một biểu hiện nào xác định bản thân từng vi phạm phạm pháp luật.

Hiện nay, phía bên Tòa án tỉnh xử lý thế nào về trường hợp của ông Nguyễn Quang Huy?

Sau khi nhận được thông tin của cơ quan điều tra, để giúp cơ quan điều tra, cũng như phối hợp trong công tác, chúng tôi đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Huy trong thời hạn 15 ngày.

Chúng tôi ra quyết định đình chỉ, khi đã có văn bản trao đổi của cơ quan điều tra. Còn lệnh bắt và thực hiện quy trình tố tụng, mới thực hiện hôm 28.11 (sáng nay chúng tôi mới nhận được văn bản tố tụng).

Văn bản này chỉ thông báo là có trường hợp thế này cần phải xác minh thôi. Cũng chưa có kết luận chính thức.

Ông đánh giá thế nào về trường hợp của Nguyễn Quang Huy?

Tôi thấy rất bất ngờ. Mỗi năm chúng tôi đều rà soát, nhưng về chức năng và thẩm quyền, chúng tôi không thể đi xác minh ở địa phương. Chúng tôi quản lý cán bộ khi cán bộ đó bắt đầu làm việc tại cơ quan, còn lý lịch thì do một cơ quan chức năng khác.

Quá trình làm việc, không có năm nào ông Huy không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người đánh giá ông Huy là người nhã nhặn lịch sự, tâm huyết trong ngành.

Có hai điều thắc mắc, một là về công tác tổ chức liên quan tiếp nhận hồ sơ gốc bên Sở Tư pháp sang; hai là trường hợp này được kết nạp đảng sau khi có lệnh bị truy nã. Đây là hai khâu rất quan trọng trong việc xét lý lịch cán bộ. Vậy có điểm hở nào không, để một người mang lệnh truy nã vào được cơ quan tố tụng

Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này, vì liên quan đến xác minh lý lịch đảng năm 1999 và quá trình tuyển dụng năm 2000, trình tự thủ tục thế nào tôi không nắm được, đó là của một cơ quan, đơn vị khác.

Cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn